Từ trước đến nay, truyện có thể loại thần thoại được nhiều người biết đến và yêu thích. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn khái niệm, đặc điểm, phân loại và một số tác phẩm nổi bật của nó ngay bài viết dưới đây.
1. Thần thoại và truyện thần thoại là gì?
Thần thoại luôn ảnh hưởng đến đời sống và văn hoá con người, thế nhưng định nghĩa chính xác của nó là gì? Nếu bạn đang “vò đầu bứt tóc” với câu hỏi trên thì hãy đọc kỹ bài viết bên dưới đây.
1.1 Thần thoại là gì?
Thần thoại chính là một dạng hình thức văn hoá tinh thần được ra đời trong xã hội nguyên thuỷ. Nó phản ánh những nhận thức của người nguyên thuỷ về quan niệm vạn vật hữu linh, diễn đạt mọi việc theo cảm tính.
Bên cạnh đó, người xưa có niềm tin rất lớn vào thần linh vì họ chưa phân biệt được thế nào là chủ quan và khách quan. Phương thức cảm nhận thế giới này của người nguyên thuỷ gọi là thế giới quan thần thoại.
Ví dụ khi trời mưa, người cổ xưa nhìn thấy nước từ trên trời rơi xuống, họ không giải thích được vì sao lại có hiện tượng trên nên những người này tin có một thế lực vô hình nào đó (thần linh) đã tạo ra những hạt nước trên.
1.2 Truyện thần thoại là gì?
Trong tiếng Anh, truyện thần thoại được gọi là Myths, nó có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như Hy Lạp, Bắc Âu và Việt Nam. Loại truyện này được hình thành dựa trên tư duy thần thoại của người xưa, thể hiện ý muốn tìm hiểu và lý giải vũ trụ.
Đến nay nó được định nghĩa là những truyện kể về các vị thần, nhân vật được sùng bái, là thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới, tạo lập nhân tố của nó – thiên nhiên và văn hóa.
Truyện thần thoại còn là một thể loại văn học dân gian, một thể sáng tạo nghệ thuật ngôn từ truyền miệng đầu tiên, đã ra đời và phát triển từ hoang dã đến văn minh.
Xem thêm:
Truyện đồng thoại là gì? Giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu
Kể chuyện cho bé mầm non ngủ, đọc truyện ngắn cho trẻ
Ngụ ý ẩn sau câu chuyện “Đẽo cày giữa đường” dạy ta điều gì?
2. Một số thần thoại nổi tiếng trên thế giới
Khái niệm thần thoại được sinh ra vào thời nguyên thuỷ, cho đến nay con người vẫn tin tưởng và lưu truyền các học thuyết về thần thoại. Một số thần thoại được nhiều người biết đến là.
2.1 Thần thoại Hy Lạp
Đây chính là thần thoại thống trị tôn giáo của nền văn minh Hy Lạp là nền văn minh lớn nhất ở phương Tây 3000 năm trước. Đến nay nó vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh Phương Tây hiện đại.
Thần thoại Hy Lạp liên quan đến các vị thần, anh hùng, nguồn gốc, ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo. Thế giới quan của nó cũng được đánh giá là mang tính logic hơn so với các thần thoại khác vì giải thích được rõ ràng và có lý, câu chuyện liên quan đến nhiều sự kiện có thật.
Một số nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp là thần Zeus (Dớt - Thần sét cai quản tất cả các thần Hy Lạp cổ đại), Poseidon (thần biển cả), Hades (thần địa ngục), Athena (thần chiến tranh), Hercules (Héc-quyn - Bán thần, Con trai của Zeus), Medusa (quỷ nữ đầu rắn),...
Song, các tác phẩm như Gót chân Achilles, 12 Chiến công của Hercules, Chiến tranh thành Troy, Bộ lông cừu vàng, Ngọn lửa Prometheus, Chiến công giết Medusa của Theseus cũng là các truyện thần thoại Hy Lạp vô cùng nổi tiếng.
2.2 Thần thoại Bắc Âu
Đây là một trong các loại thần thoại đến từ phía Bắc Châu Âu, của các nước Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Đức,...Việc lưu truyền thần thoại Bắc Âu chỉ được kể lại thông qua các câu chuyện truyền miệng nhưng người dân vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào những vị thần này.
Những vị thần nổi tiếng trong thần thoại này là Odin (thần chiến tranh), Thor (thần sấm), Njord (thần gió, biển cả và lửa), Frey (thần thời tiết, sự sinh sôi), Hod (thần mùa đông và bóng tối), Loki (thần gian xảo, lừa lọc),...
Một số nội dung của thể loại thần thoại Bắc Âu sau đây bạn có thể dễ dàng tìm đọc: Chuyện thần Odin giả làm làm anh nông dân lừa nàng Gunnlod và cái kết, Sự tích vì sao nước biển lại mặn hay hai chuyện nàng Fenja và Menja, Chuyện về con dê Yule Goat trong Giáng sinh,...
2.3 Thần thoại Ai Cập
Thần thoại Ai Cập mô tả hành động các vị thần cổ đại, dựa vào đó để lý giải những sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh. Trong truyện ngắn, các bài thánh ca, văn bản nghi lễ,...luôn có sự tồn tại của thần linh, tuy nhiên thường chỉ được mô tả ở một đoạn ngắn.
Thần thoại Ai Cập trở nên nổi tiếng trên thế giới nhờ vào các câu chuyện về triều đại của Thần mặt trời Ra trên trái đất, cuộc đấu tranh của các vị thần Osiris, Isis và Horus chống lại vị thần gây rối Set,...
2.4 Thần thoại trong Kinh thánh
Nếu bạn là một người theo đạo Công giáo thì các thần thoại về Adam, Eva, quỷ Satan,... đã không còn xa lạ bởi vì các nhân vật trên đều nằm trong Kinh thánh Christian (Bible).
Khởi nguồn từ Abraham, kinh thánh Christian khẳng định Thượng Đế chính là người đã khơi nguồn ra thế giới. Trãi qua hơn 2000 năm phát triển nó đã trở thành tôn giáo chính thức của các nước Phương Tây.
Nhiều câu chuyện thần thoại trong quyển kinh thánh này đã trở thành kinh điển như truyện Adam và Eva ăn trái cấm bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng; "Thiên thần sa ngã" Lucifer chống lại Chúa bị các thiên thần khác cầm đầu bởi Michael đánh bại và đày ải xuống địa ngục thành Quỷ Satan; Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá, Noah và cơn đại hồng thủy,...
2.5 Thần thoại Trung Hoa
Thật thiếu sót nếu như không nhắc đến thần thoại Trung Hoa, bởi vì nó phổ biến rộng khắp các nước của nền văn minh Phương Đông. Về lịch sử hình thành và phát triển, thần thoại Trung Hoa ra đời vào thời Tam hoàng Ngũ Đế ở Trung Quốc được gia cố bởi tư tưởng Đạo giáo của Lão Tử và tồn tại đến ngày nay.
Các vị thần trong Thần thoại Trung Hoa được rất nhiều người Việt Nam biết đến như Ngọc hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, Thái Bạch Kim Tinh, Na Tra...Một số truyện thần thoại nổi tiếng phải kể đến vào là Nữ Oa Vá Trời, Bàn Cổ khai thiên lập địa, Hậu Nghệ bắn mặt trời, Xi Vưu đấu Hiên Viên, Tinh Vệ lấp biển...
Xem thêm:
Ý thức xã hội là gì? Liệu khái niệm này có quá xa lạ đối với chúng ta?
Sự khác biệt của nền văn minh phương Đông và phương Tây?
Tìm lại 'tuổi thơ' qua 15 bộ phim thần thoại Trung Quốc
3. Một số đặc trưng cơ bản của truyện thần thoại
Cũng giống như một số thể loại khác, thần thoại có các đặc điểm riêng biệt để phân biệt với những truyện còn lại. Trong đó, nó có 3 đặc trưng quan trọng là điều kiện xã hội, tính nguyên hợp và một số chức năng cơ bản.
3.1 Điều kiện ra đời của thần thoại
Như phần trên, loài người đã nảy sinh trí tưởng tượng khi ở thời kỳ hình thành công xã nguyên thuỷ, từ đó thần thoại được ra đời. Tư duy người nguyên thuỷ được nảy sinh được dựa trên các mối quan hệ giữa nhu cầu nhận thức với nhu cầu giao tiếp, sự sợ hãi và khát vọng chinh phục tự nhiên,...
3.2 Tính nguyên hợp
Đây là đặc điểm nổi bật nhất của truyện thần thoại, bởi lẽ loại truyện này vừa là văn học vừa là văn hoá. Thần thoại là khoa học sơ khai được hình thành giải thích thế giới. Nó cũng là tôn giáo nguyên thủy phản ánh sự sùng bái tự nhiên của người xưa. Bên cạnh đó thần thoại cũng chứa đựng các yếu tố mầm mống của triết học, lịch sử, luật pháp,…
3.3 Chức năng cơ bản
Truyện thần thoại có các chức năng tiêu biểu của một tác phẩm văn học dân gian, tuy nhiên nó vẫn có những đặc trưng riêng như.
Chức năng nhận thức
Thể hiện qua 2 phương diện là nhận thức những gì đang tồn tại, xảy ra và nhận thức những gì thuộc về nguồn gốc, chẳng hạn như sự ra đời của vũ trụ, con người, muôn loài,... Nói cách khác họ sự nhận thức chính là 2 phương diện thực tiễn khách quan và nhận thức suy nguyên.
Chức năng sinh hoạt thực hành
Truyện thần thoại luôn gắn liền với các hoạt động lễ nghi, cúng bái có màu sắc tôn giáo, phép thuật, ảo diệu ly kỳ,...Nó được coi như phương thức tồn tại, ra đời, lưu truyền của loại truyện này.
Chức năng thẩm mỹ
Thể hiện qua trí tưởng tượng của con người là sự hoang đường trong nhận thức và khát vọng chinh phục tự nhiên. Từ đó người ta sáng tạo ra các hình tượng nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao.
4. Phân loại truyện thần thoại
Theo Ông Đỗ Bình Trị, một nhà nghiên cứu tiến trình của lịch sử văn học dân gian Việt Nam đã chia truyện thần thoại thành 2 nhóm là Thần thoại suy nguyên và Thần thoại sáng tạo.
Trong đó, thần thoại suy nguyên là cách mà người nguyên thuỷ giải thích nguồn gốc của một số sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội như lũ lụt, bão tố, động đất và sóng thần, bệnh tật, thú dữ,... Qua đó, nó nói lên sự hòa nhập của con người với tự nhiên, từ đó khẳng định những phẩm chất tốt đẹp cao quý của con người.
Thể loại thần thoại sáng tạo có nội dung kể về các “anh hùng văn hoá”. Đó là những người đã lập nên những chiến công, kỳ tích, điều kỳ diệu giúp bộ tộc, làng ấp có cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người về cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Xem thêm:
Phong trào văn hóa Phục Hưng có ý nghĩa gì với nền văn minh phương Tây
Danh sách di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Việt Nam
Cách gìn giữ những nét đẹp trong phong tục tập quán
5. Một số tác phẩm thần thoại Việt Nam hay nhất
Thần thoại Việt Nam luôn mang đậm nét văn hoá, là niềm tự hào của dân tộc ta từ xưa đến nay. Dưới đây là những tác phẩm tiêu biểu, bạn có thể xem qua.
5.1 Sự tích con rồng cháu tiên
Nếu qua phần giải thích trên mà bạn vẫn còn hoang mang về định nghĩa “Truyện thần thoại là gì?” thì tác phẩm “Con rồng cháu tiên” sẽ là một minh chứng điển hình cho khái niệm này. Truyện thể hiện được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc và khơi dậy niềm yêu nước mãnh liệt trong lòng mỗi người con đất Việt.
ĐỌC TRUYỆN
Cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khỏe tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lâm. Lớn lên Sùng Lâm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lâm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đề bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh. Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.
Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.
Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hóa thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại. Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó. Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.
Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.
Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh. Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quất ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.
Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một tòa cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: “Hễ có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay!”
Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: “Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!”. Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.
Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hóa làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao. Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp khỏe mạnh và thông minh tuyệt vời.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về, nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: “Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này”.
Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
– Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não.
Lạc Long Quân nói:
– Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.
Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.
5.2 Thần Trụ Trời
Đây là câu chuyện thần thoại được lưu truyền khá sớm trong dân gian Việt Nam. Truyện Thần Trụ Trời giải thích sự hình thành trời đất, mây, hồ, sông, núi,... để rồi từ đó con người mới xuất hiện và sinh sống.
ĐỌC TRUYỆN
Thuở ấy, chưa có thế gian, cũng như chưa sinh ra muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo. Bỗng nhiên, một vị thần khổng lồ xuất hiện, chân thần cao không thể tả xiết. Thần bước một bước là có thể qua từ vùng này hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.
Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn kia không biết từ bao lâu. Bỗng có một lúc, thần đứng dậy ngẩng đầu đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời. Hễ cột được thần đắp cao lên chừng nào, thì trời dường như một tấm màn rộng mênh mông được nâng dần lên chừng ấy.
Lủi thủi một mình, thần hì hục vừa đào vừa đắp: chẳng bao lâu, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên mãi phía mây xanh mù mịt.
Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau gọi là chân trời.
Khi trời đã cao và đã khô cứng, không hiểu tại sao thần lại phá tan cột, lấy đá và đất ném tung đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi, biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, thành đống, thành những dãy đồi cao. Vì thế mặt đất ngày nay không bằng phẳng, mà có chỗ lồi chỗ lõm. Chỗ thần đào đất, đào đá mà đắp cột ngày nay thành biển rộng.
Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Sau này, người trần gian thường nói rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn vùng Hải Dương. Người ta cũng gọi là cột chống trời (Kinh thiên trụ). Vị thần Trụ Trời đó sau này người ta cũng gọi là Trời hay Ngọc Hoàng, bao trùm tất cả, trông coi mọi việc trên trời, dưới đất.
Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có một số thần khác, nối tiếp công việc còn dở dang, để xây dựng nên thế gian. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Biển,…
Vì vậy, dân gian có câu truyền đến ngày nay:
Ông đếm cát
Ông tát bể (biển)
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng câu
Ông xây rú
Ông trụ trời…
5.3 Nữ thần lúa
Nữ thần lúa là truyện thần thoại của Việt Nam kể về nguồn gốc ra đời của cây lúa ngày nay. Qua tác phẩm, nó đã thể hiện được sự sáng tạo và sự mong cầu an bình, hạnh phúc của người Việt xưa.
ĐỌC TRUYỆN
Từ thời vua Hùng dựng nước đã truyền lại câu chuyện về nữ thần Lúa, một vị thần xinh đẹp, dáng người ẻo lả, và có tính hay hờn dỗi.
Nàng là con gái Ngọc Hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất, sai nữ thần Lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm.
Một hôm cô con gái nhà kia đang bận việc. Sân chưa quét dọn, cửa kho cũng chưa mở, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Cô gái cuống quýt và đâm cáu. Sẵn tay đang cầm cái chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng:
- Người ta chưa dọn dẹp xong đã bò về. Gì mà hấp tấp thế?
Nữ thần Lúa đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy sân, đường bẩn thỉu rác rưởi đã bực trong lòng, lại bị mang một cán chổi vào đầu, tức lắm. Cả đám lúa đều thốt lên:
- Muốn mệt thì ta cho mệt luôn. Từ nay có hái tre, liềm sắc cắt cổ tao, tao mới về.
Từ đó, nữ thần Lúa dỗi, nhất định không cho lúa bò về nữa. Người trần gian phải xuống tận ruộng lấy từng bông. Thấy vất vả mệt nhọc quá, người ta mới chế ra liềm hái để cắt lúa cho nhanh. Và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, mà phải phơi phóng, xay giã cho ra gạo. Sự hờn dỗi của nữ thần Lúa còn đôi khi cay nghiệt hơn nữa. Nữ thần vẫn giận sự phũ phàng của con người, nên nhiều lần đã cấm không cho các bông lúa nảy nở. Có kết hạt cũng chỉ là lúa lép mà thôi. Vì thế sau này mỗi lần gặt xong là người trần gian phải làm lễ cúng hồn Lúa, cũng là cúng thần Lúa, với tiết mục ‘rước bông lúa’. Có nơi không gọi như thế thì gọi là cúng cơm mới.
Cũng vào lúc chế tạo ra lúa. Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật. Ban đầu thần gieo tất cả hạt giống cỏ ở trong tay trái. Cỏ mọc rất nhanh, chỉ trong một đêm đã lan tràn khắp cả mặt đất. Đến khi thần gieo hết một nửa số hạt giống lúa ở trong tay phải thì không còn một mảnh đất nào để gieo nữa. Thần đành đem nửa số hạt giống lúa về Trời. Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khoẻ còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón, làm cỏ thì bị cỏ át mất.
Khi biết rõ việc ấy Trời liền nổi giận đày thần xuống trần hóa làm con trâu, ăn cỏ đời này qua đời khác và kéo cầy cho loài người trồng lúa.
5.4 Thần mưa
Thần mưa là một câu chuyện thần thoại ngắn gọn và dễ nhớ do người Việt xưa tạo ra để giải thích nguồn gốc của mưa.
ĐỌC TRUYỆN
Thần Mưa là thần hình rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cầy cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước cho các nơi. Thần Mưa có tính hay quên có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán, có vùng lại đến luôn làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới cóc phải lên kiện Trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày quá.
Công việc phân phối nước khắp mặt đất rất là nặng nề một mình Thần Mưa có khi không làm hết nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở nên thành rồng hút nước phun mưa giúp sức Thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ-môn) thuộc Hà-tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân gian đã có câu hát về việc cá gáy hóa rồng:
Mồng ba cá đi ăn thề,
Mồng bốn cá về cá vượt Vũ-môn.
5.5 Sáng tạo vạn vật
Nếu “Thần mưa” là cách để người dân giải thích cho nguồn gốc của “những giọt nước từ trên trời rơi xuống” thì ở mẫu truyện thần thoại này nó giải thích cho loài vật xuất hiện từ đâu. Truyện cũng giải thích vì sao con người thông minh hơn các loài vật khác và về già phải chết.
ĐỌC TRUYỆN
Sau lúc dựng xong Vũ-Trụ, ông Trời bắt đầu tạo ra vạn vật. Tương truyền rằng ban đầu Trời dùng những chất cặn còn sót lại trong trời đất mà nặn ra đủ mọi giống vật, từ những con to lớn đến những con bé nhỏ như sâu bọ. Sau đó Trời mới gạn lấy chất trong để nặn ra con người. Do đó mà loài người khôn hơn các giống vật.
Về công việc nặn ra người, Trời giao cho mười hai nữ thần khéo tay mà hạ giới vẫn gọi là mười hai bà mụ. Mười hai bà mụ mỗi người làm một công việc khác nhau, bà nặn tay nặn chân, bà nặn tai, bà nặn mắt bà nặn cơ quan sinh dục, bà dạy bò dạy lật, bà dạy nói dạy cười. Vì có bà mụ đãng trí nên giống người có kẻ á nam, á nữ vì thiếu mất sinh thực khí.
Khi Sáng-Tạo ra loài người, Trời có ý định cho họ sống mãi khỏi phải chết, hễ đến già rồi thì nằm yên một nơi trong ít lâu tự nhiên lớp da ngoài thay đổi, bỏ lốt già đi mà hóa lại trẻ, trái hẳn với giống rắn, vì bản chất độc ác nên chỉ sống đúng tuổi rồi phải chết. Một vị thần được phái xuống hạ giới để thi hành việc đó không ngờ lại gặp nhằm loài rắn trước. Lũ rắn biết được sứ mạng của thần là xuống tuyên án chết cho loài chúng mới rủ nhau lại hàng vạn con xúm vây lấy sứ nhà trời, nhất quyết bắt thần phải nói lại: “Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng”. Nếu không thì lũ rắn quyết một mất một còn với thần. Thấy lũ rắn dữ tợn chỉ chực hại mình, thiên sứ đành phải nghe lời chúng. Do đó mà loài rắn được lột xác sống mãi, còn loài người đến khi già phải chết.
Khi Trời hay tin, giận thiên thần đã làm trái với ý định của mình, mới đày xuống hạ giới làm kiếp bọ hung.
Truyện thần thoại luôn có những ảnh hưởng, tác động nhất định trong đời sống con người qua các tục lệ, lễ hội,... Dẫu biết ngày nay khoa học phát triển nên các hiện tượng tự nhiên được lý giải logic hơn nhưng thần thoại luôn là “món ăn” tinh thần trong mỗi con người. Vì thế bạn hãy tìm hiểu thật kỹ thể loại này để có thêm cho mình nhiều kiến thức bổ ích nhé!
(Nguồn ảnh: internet)