Chờ...

Truyện truyền thuyết là gì? 5 truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất

(VOH) - Nếu bạn muốn tìm hiểu về thể loại truyện truyền thuyết trong văn học dân gian thì hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Truyền thuyết là thể loại chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng truyện dân gian của Việt Nam và trên thế giới. Nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác và hiện diện trong mỗi con người của các nền văn hóa.

1. Truyện truyền thuyết là gì?

Truyền thuyết có nội dung là những phong tục, tập quán hoặc các câu chuyện xuất hiện trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Thể loại này được truyền miệng trong dân gian và được lưu truyền qua nhiều thế hệ con cháu. 

Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sử, đến nay truyền thuyết đã kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu thần kỳ, hư ảo và phóng đại nhưng vẫn lắng đọng cảm xúc đời thường.

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 1

2. Những đặc điểm thi pháp nổi bật của truyện truyền thuyết

Tương tự các quốc gia trên thế giới, truyền thuyết Việt Nam có những đặc điểm khó mà nhầm lẫn với những loại truyện còn lại. Điều này thể hiện qua cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, thời gian và không gian nghệ thuật của truyền thuyết.

2.1 Cốt truyện truyền thuyết rất đơn giản

Một trong những đặc điểm điển hình của truyền thuyết là cốt truyện đơn giản, dễ nhớ. Bởi vì thể loại này có thể lưu giữ qua nhiều đời chính nhờ vào hình thức truyền miệng, nên yếu tố ngắn gọn luôn được đảm bảo. Nhìn chung, cấu trúc của truyện truyền thuyết có 3 phần cốt lõi dưới đây.

  • Lý lịch nhân vật

Phần này giới thiệu một số thông tin cơ bản của nhân vật chính như cách được sinh ra, nguồn gốc (cho các nhân vật phi thường), quê quán, tuổi tác, nơi sinh sống (cho các nhân vật người bình thường),...

  • Tài năng của nhân vật

Tài năng của nhân vật chính phi thường sẽ vượt trội hơn người hoặc nếu là nhân vật chính bình thường thì sẽ được thần linh giúp đỡ bằng những cách thức mang đậm màu sắc thần bí, huyền ảo. Dựa trên những khả năng dị biệt này, dân ta ca ngợi sức mạnh của các vị anh hùng, các nhân vật lịch sử xa xưa.

  • Kết cục của truyền thuyết thường là kết thúc mở

Hầu hết tất cả nhân vật trong truyện truyền thuyết đều “trung can, nghĩa đảm”, sẵn sàng lấy hết trí tuệ, xương máu của mình để tận trung bảo vệ đất nước, làng xã, thôn xóm. Thế nên truyện kể về những con người này thường có chung một kết thúc đại loại như được vinh phong, nhân dân tưởng nhớ xây đền thờ cúng về sau, hóa thành thánh phù dân - giúp nước,...

2.2 Cách xây dựng nhân vật của truyền thuyết dựa trên nhân vật có thật

Như đã nói từ trước, truyền thuyết đa phần kể về các con người có thật trong lịch sử nên họ có lý lịch khá rõ ràng. Ngoài ra một phần hành động, việc làm hoặc lời nói của nhân vật chính cũng được lưu lại đến ngày nay.

Vì thế khi xây dựng nhân vật, nhân dân đã dựa vào thông tin của hiện thực và thêu dệt thêm yếu tố kỳ ảo, hoang đường để hình ảnh của người xưa vượt lên khỏi khuôn khổ đời thường mà trở nên hết sức phi thường. Bằng cách này thế hệ sau đã thể hiện sự kính trọng sâu sắc và lòng biết ơn chân thành đối với những con người “siêu phàm” ấy.

2.3 Thời gian -không gian nghệ thuật trong truyện truyền thuyết đã dần được cụ thể hoá

Nếu đem so sánh với hai thể loại thần thoại hay cổ tích thì thời gian trong truyện truyền thuyết được xác định rõ ràng hơn. Ví dụ vị nữ tướng thời Việt xưa là Bà Triệu sống vào thời có giặc Ngô hay danh tướng Yết Kiêu gắn liền với thời gian chống giặc Nguyên Mông đời Trần,...

Nếu lại xét thêm yếu tố không gian thì địa bàn hoạt động của các nhân vật trong truyện kể truyền thuyết cũng cơ bản được xác định. Chẳng hạn bà Triệu được sinh ra ở quận Cửu Chân (hiện nay là Thanh Hoá) hay Yết Kiêu quê ở làng Hạ Bì (nay thuộc tỉnh Hải Dương),...

Xem thêm: 

La Fontaine - nhà thơ ngụ ngôn bất hủ và những câu nói hay
Truyện đồng thoại là gì? Giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu
Điển tích điển cố: Thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng

3. Các thể loại của truyện truyền thuyết là gì?

Thật ra đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa thống nhất nhất được cách phân loại đúng cũng như số loại của truyện này. Tuỳ vào từng nhà nghiên cứu, mà họ dựa trên các tiêu chí như đồng đại hoặc lịch đại, nội dung, tính chất, sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử,...để chia chúng thành những tiểu loại riêng biệt.

Tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Tất Phát đã mạnh dạn chia truyền thuyết thành 5 loại nhỏ là

  • Những truyền thuyết mang tính chất anh hùng ca thuộc thời đại các vua Hùng dựng nước
  • Truyền thuyết trong 10 thế kỷ đấu tranh chống sự đồng hóa của phong kiến Trung Quốc, giành độc lập của dân tộc
  • Truyền thuyết thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến tự chủ
  • Truyền thuyết lịch sử thời thuộc pháp
  • Truyền thuyết thời đại Hồ Chí Minh

Trong khi đó tác giả Hoàng Tiến Tựu chỉ chia thành 2 loại là Truyền thuyết thời Văn Lang Âu Lạc và Truyền thuyết từ thời kỳ Bắc thuộc trở về sau. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều cách phân chia khác dựa trên các tiêu chí riêng biệt, từ đó tạo nên sự phong phú của các tiểu loại truyền thuyết.

4. Cách để phân biệt truyện truyền thuyết và một số thể loại khác

Dưới đây là một số mẹo nhỏ để phân biệt truyền thuyết với các loại truyện khác. Bạn hãy đọc nó thật kỹ để tránh nhầm lẫn nó với các loại truyện còn lại nhé!

4.1 Phân biệt truyền thuyết với cổ tích

Khi càng tập trung tìm hiểu, bạn dễ dàng thấy được 2 loại truyện này đều mang nét kỳ ảo, chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường thần kỳ hay những nhân vật chính đều có tài năng phi thường,...

Thế nhưng truyền thuyết đại diện cho sự đánh giá, cái nhìn của con người về nhân vật có thật trong lịch sử. Còn cổ tích chỉ phát triển dựa trên trí tưởng tượng, niềm mơ ước, khát khao công lý, lẽ phải của người dân mà thôi. Ngoài ra khi so sánh về kết cục câu chuyện, truyện cổ tích thường có kết thúc rõ ràng, có hậu và truyền thuyết thường mang kết thúc mở.

4.2 Phân biệt truyền thuyết với thần thoại

Truyền thuyết và thần thoại được lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó có tác động vô cùng mạnh mẽ đến hành vi lối sống, cách cư xử và ý thức con người. Chẳng hạn qua truyền thuyết Trọng Thuỷ- Mị Châu người Việt luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước giặc, truyền thuyết về Hồ Gươm với sự xuất hiện của rùa thần giúp cho Lê Thái Tổ có tính chính danh khi lên ngôi vua nước Đại Việt (trời cử thần xuống giúp),...

Ngoài ra, đặc điểm của truyện truyền thuyết và thần thoại còn có nét tương đương nhau bởi yếu tố hư ảo. Thế nhưng điều làm nên sự khác biệt  rõ nét của 2 thể loại là nhân vật trung tâm của truyện. Cụ thể, trong thần thoại hình tượng được xây dựng là các vị thần, lý giải cội nguồn của các loài vật,...Trong khi đó, truyền thuyết được kể dựa nhân vật có thật trong lịch sử, sống tại một thời điểm, địa điểm xác định. 

Xem thêm:  

Điểm qua các nhân vật cổ tích Việt Nam gây ám ảnh tuổi thơ 9x
Kể chuyện cho bé mầm non ngủ, đọc truyện ngắn cho trẻ 
Từ ghép là gì? Nhận biết từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập

5. Kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất 

Trải qua hàng trăm thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nên số lượng và nội dung của truyền thuyết Việt Nam cũng được phát triển theo. Trước khi xem qua các câu chuyện nổi bật, chúng tôi sẽ giúp bạn nắm rõ các đề tài trong thể loại này.

5.1 Các đề tài của truyền thuyết Việt Nam

Việt Nam là một nước có nền văn hoá đặc sắc lâu đời, thế nên truyền thuyết đã được hình thành từ thời khai hoang, lập ấp. Nổi tiếng nhất là những chuyện kể về các vị anh hùng dân tộc trong thời của các vị vua Hùng.

Trong thời thời kỳ này, thể loại trên được tạo ra với mục đích là ca ngợi, ghi nhớ công lao to lớn của các vị vua vĩ đại, người anh hùng chiến đấu để bảo vệ làng ấp, thôn xóm,... Một số tác phẩm sau đã gắn liền với bao thế người con đất Việt phải kể đến như Sơn Tinh Thủy Tinh, Truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thuỷ, Thánh Gióng, Bánh chưng bánh dày, Mai An Tiêm,....

Đến giai đoạn sau, khi nhà nước Âu Lạc sụp đổ nhân dân ta bước vào thời kỳ Bắc Thuộc và phải chịu sự áp bức, bóc lột dã man từ bọn giặc phương Bắc. Dưới sự đàn áp đó rất nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành lại độc lập cho người Việt đã diễn ra trên khắp cả nước. 

Để tưởng nhớ những con người “xả thân vì nghĩa ấy” nhân dân ta đã thêu dệt nên những câu chuyện ly kỳ về họ để phản ánh trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Các nhân vật lịch sử nổi tiếng được dân ta đưa vào truyền thuyết trong giai đoạn này là Hai bà Trưng (Truyền thuyết Hai bà Trưng), Bà Triệu (truyện Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh), Lý Thường Kiệt (Truyền thuyết về Việt quốc công Lý Thường Kiệt), Trần Hưng Đạo (Trần Hưng Đạo và truyền thuyết được Thần cho mượn thuyền quyết chiến giặc Nguyên), Lê Lợi (Truyền thuyết Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần),…

Ở thời kỳ tiếp theo khi đất nước đã dần được hình thành ổn định, đề tài trong truyền thuyết là các vị danh nhân có tài cao, đức lớn, vì dân, vì nước. Những con người tài đức vẹn toàn được dân gian lưu lại là Chu Văn An (Chu Văn An nhờ học trò cầu mưa chống hạn giúp dân), Lê Quý Đôn (tương truyền trong nhân gian về chuyện sinh ra của Lê Quý Đôn và một số mẩu chuyện nhỏ khác), Mạc Đỉnh Chi (Mạc Đỉnh Chi trở thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên),...

Nói chung dù là ở đề tài nào đi chăng nữa, qua truyện truyền thuyết nhân dân ta luôn bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với “các bật cao nhân” có công với xã tắc, giúp quốc gia hưng thịnh. Truyện còn thể hiện được niềm yêu nước, khát vọng hạnh phúc, ấm no, công bằng chống lại cường quyền của dân tộc ta.

5.2 Tổng hợp kho tàng truyền thuyết Việt Nam được chọn lọc

Dưới đây là một số truyện truyền thuyết hay, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hoá của con người Việt Nam. Bạn có thể đọc và tìm hiểu thêm về nó nhé!

5.2.1 Bánh chưng, bánh giầy

Bánh chưng, bánh giầy là một trong những truyền thuyết phổ biến của Việt Nam. Truyện không chỉ giải thích được nguồn gốc đặc biệt của bánh chưng và bánh dày truyền thống mà còn đề cao sự thông minh và lòng hiếu thảo của người Việt ta.

ĐỌC TRUYỆN

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là bánh giầy Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có bánh giầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của bánh giầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 2

5.2.2 Truyền thuyết Hồ Gươm

Đây là một truyện truyền thuyết ngắn gọn của Việt Nam giải thích được nguồn gốc tên gọi “Hồ Gươm - Hồ Hoàn Kiếm” ngày nay. Qua truyện nhân dân ta ca ngợi cuộc chiến chống giặc ngoại xâm đầy chính nghĩa của vị vua tài đức Lê Lợi và thể hiện mong ước sống trong hòa bình, không chiến tranh.

ĐỌC TRUYỆN

Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Bấy giờ, ở vùng Lam-sơn nghĩa quân đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác, Thấy vậy, đức Long quân quyết định cho họ mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.

Hồi ấy ở Thanh-hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ. Thận thả lưới ở một bến vắng như thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá. Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả câu ở một chỗ khác.

Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba vẫn là thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:

- Ha ha! Một lưỡi gươm!

Thận về sau gia nhập quân đoàn khởi nghĩa Lam-sơn. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở một xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người đều không biết đó là báu vật.

Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi gươm dắt vào lưng.

Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuối thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Lê Lợi bèn kể lại câu chuyện. Mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với chủ tướng:

- Đây là thần có ý phó thác cho "minh công" làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo "minh công" và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!

Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoành trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Họ không phải trốn tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.

Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi - bấy giờ đã là một vị thiên tử - cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:

- Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!

Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi. Cho đến khi gươm và rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh.

Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền báo ngay cho họ biết:

- Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.

Và từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn-kiếm.

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 3

5.2.3 Truyền Thuyết Mị Châu - Trọng Thuỷ

Truyện truyền thuyết này gắn liền với vị vua An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc của nước Việt xưa. Truyện được dựa trên một câu chuyện có thật khi Triệu Đà đưa quân xâm lược nhiều lần và đánh bại vua An Dương Vương vào năm 179 TCN. Để tưởng nhớ vua An Dương Vương và nhắc nhở con cháu đời sau phải luôn cảnh giác trước kẻ thù, nhân dân đã thêm các yếu tố kỳ ảo và lưu truyền truyền thuyết này trong dân gian.

ĐỌC TRUYỆN

Sau khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thần Kim Quy cho An Dương Vương một cái móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. Theo lời thần dặn, nỏ có được cái lẫy làm bằng móng chân thần sẽ là chiếc nỏ bắn trăm phát trúng cả trăm, và chỉ một phát có thể giết hàng ngàn quân địch. An Dương Vương chọn trong đám gia thần được một người làm nỏ rất khéo tên là Cao Lỗ và giao cho Lỗ làm chiếc nỏ thần. Lỗ gắng sức trong nhiều ngày mới xong. Chiếc nỏ rất lớn và rất cứng, khác hẳn với những nỏ thường, phải tay lực sĩ mới giương nổi. An Dương Vương quý chiếc nỏ thần vô cùng, lúc nào cũng treo gần chỗ nằm.

Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều nên Đà đành cố thủ đợi chờ thời cơ. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hòa với An Dương Vương, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chủ ý là tìm cách phá chiếc nỏ thần.

Trong những ngày đi lại để giả kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ được gặp Mỵ Châu, con gái yêu của An Dương Vương, một thiếu nữ mày ngài, mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần. Trọng Thuỷ đem lòng yêu dấu Mỵ Châu, Mỵ Châu dần dần cũng xiêu lòng. Hai người trở nên thân thiết, không còn chỗ nào trong Loa thành mà Mỵ Châu không dẫn người yêu đến xem. An Dương Vương không nghi kỵ gì cả. Thấy đôi trẻ thương yêu nhau, vua liền gả Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ.

Một đêm trăng sao vằng vặc, Mỵ Châu cùng Trọng Thuỷ ngồi trên phiến đá trắng giữa vườn, cùng nhau nhìn dãy tường thành cao nhất. Trong câu chuyện tỷ tê, Trọng Thuỷ hỏi vợ rằng: Nàng ơi, bên Âu Lạc có bí quyết gì mà không ai đánh được? Mỵ Châu đáp: Có bí quyết gì đâu chàng, Âu Lạc đã có thành cao, hào sâu, lại có nỏ thần bắn một phát chết hàng nghìn quân địch, như thế còn có kẻ nào đánh nổi được? Trọng Thuỷ làm bộ ngạc nhiên, vờ như mới nghe nói đến nỏ thần lần đầu. Chàng ngỏ ý muốn xem chiếc nỏ. Mỵ Châu không ngần ngại, chạy ngay vào chỗ nằm của cha, lấy nỏ thần đem ra cho chồng xem. Nàng lại chỉ cho chàng biết cái lẫy vốn là chiếc móng chân thần Kim Quy và giảng cho Trọng Thuỷ cách bắn. Trọng Thuỷ chăm chú nghe, chăm chú nhìn cái lẫy, nhìn khuôn khổ cái nỏ hồi lâu, rồi đưa cho vợ cất đi.

Hôm sau, Trọng Thủy xin phép An Dương Vương về thăm cha. Hắn thuật lại cho Triệu Đà biết về chiếc nỏ thần. Đà sai một gia nhân chuyên làm nỏ, chế một chiếc lẫy nỏ giống hệt của An Dương Vương. Lẫy giả làm xong, Trọng Thuỷ giấu vào trong áo, lại trở sang Âu Lạc.

An Dương Vương vốn chiều con gái, thấy con mỗi khi gặp chồng thì vui vẻ sung sướng, liền sai gia nhân bày tiệc rượu để ba cha con cùng vui. Trọng Thuỷ uống cầm chừng, còn An Dương Vương và Mỵ Châu say tuý luý. Thừa lúc bố vợ say, Trọng Thuỷ lẻn ngay vào phòng tháo lấy cái lẫy bằng móng chân thần Kim Quy và thay cái lẫy giả bằng móng rùa thường vào.

Hôm sau, thấy chồng có vẻ bồn chồn, hết đứng lại ngồi không yên, Mỵ Châu hỏi chồng rằng: Chàng như có gì lo lắng phải không? Trọng Thuỷ đáp: Ta sắp phải đi, Phụ vương dặn phải về ngay để còn lên miền Bắc, miền Bắc xa lắm nàng ạ. Mỵ Châu buồn rầu lặng thinh, Trọng Thuỷ nói tiếp: Bây giờ đôi ta sắp phải xa nhau, không biết đến bao giờ gặp lại! Nếu chẳng may xảy ra binh đao, tôi biết đâu mà tìm? Mỵ Châu nói: Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ thiếp chạy về hướng nào thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường, chàng cứ chạy theo dấu lông ngỗng mà tìm. Nói xong Mỵ Châu nức nở khóc.

Về đất Nam Hải, Trọng Thuỷ đưa cái móng rùa vàng cho cha, Triệu Đà mừng rỡ vô cùng, reo lên rằng: “Phen này đất Âu Lạc sẽ về tay ta”. Chỉ ít ngày sau, Triệu Đà đã ra lệnh cất quân sang đánh Âu Lạc.

Nghe tin báo, An Dương Vương cậy có nỏ thần, không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, An Dương Vương sai đem nỏ thần ra bắn thì không thấy linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà phá cửa thành, ùa vào. An Dương Vương vội lên ngựa, đèo Mỵ Châu sau lưng, phi ngựa thoát ra cửa sau. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc khắp dọc đường.

Đường núi gập ghềnh hiểm trở, ngựa chạy luôn mấy ngày đêm đến Dạ Sơn gần bờ biển. Hai cha con định xuống ngựa ngồi nghỉ thì quân giặc đã gần đến. Thấy đường núi quanh co dốc ngược, bóng chiều đã xuống, không còn lối nào chạy, An Dương Vương liền hướng ra biến, khấn thần Kim Quy phù hộ cho mình. Vua vừa khấn xong thì một cơn gió lốc cát bụi bốc lên mù mịt, làm rung chuyển cả núi rừng. Thần Kim Quy xuất hiện, bảo An Dương Vương rằng “giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn.

Quân của Triệu Đà kéo vào chiếm đóng Loa thành, còn Trọng Thuỷ một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mỵ Châu. Đến gần bờ biển, thấy xác vợ nằm trên đám cỏ, tuy chết mà nhan sắc không mờ phai. Trọng Thuỷ khóc oà lên, thu nhặt thi hài đem về chôn trong thành, rồi đâm đầu xuống giếng trong thành mà xưa kia Mỵ Châu thường tắm.

Ngày nay, ở làng cổ Loa, trước đền thờ An Dương Vương, còn cái giếng gọi là giếng Trọng Thuỷ. Tục truyền khi Mỵ Châu đã bị cha giết chết rồi, máu nàng chảy xuống biển, trai ăn được nên mới có ngọc châu. Lấy được ngọc trai ấy đem về rửa bằng nước giếng trong thành Cổ Loa thì ngọc trong sáng vô cùng.

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 4

5.2.4 Truyền thuyết Thánh Gióng

Truyền thuyết Thánh Gióng hẳn là không còn xa lạ đối với trẻ em Việt Nam. Qua truyện, dân ta ca ngợi tấm lòng yêu nước, sự anh dũng và sức mạnh của vị anh hùng “Gióng” - người có công bảo vệ sự bình yên cho nước nhà. Bên cạnh đó nhờ pha thêm yếu tố kì ảo, nó còn thể hiện được khát vọng sống hạnh phúc, bình yên vĩnh hằng của nhân dân ta dưới sự bảo vệ của thần linh.

ĐỌC TRUYỆN

Vào thời vua Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một mình. Như thường lệ, một buổi sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà của mình. Nhìn vết chân bà ngạc nhiên kêu lớn: 

– “Chao ôi! Bàn chân ai mà to thế này!”. 

Tò mò nên bà đưa chân vào ướm thử vết chân lạ kia, bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Và từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng thằng bé đã lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói hay biết cười.

Bấy giờ có giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Giặc Ân rất hung tàn, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương. Chúng đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi lại chúng. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm tướng tài để giúp vua cứu nước.

Một hôm sứ giả đi đến làng chú bé Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, bà mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con rằng:

– Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói thì biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!

Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng:

– Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!

Nói xong lại im bặt. Bà mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người tới nhà ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng một người nói:

– Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì.

Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhìn thấy chú bé Gióng liền hỏi rằng:

– Mày là đứa trẻ lên ba mới học nói, mày định mời ta đến đây để làm gì?

Gióng trả lời rất chững chạc:

– Về bảo với nhà vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!

Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu với nhà vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé.

Mọi thứ rèn đã xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách để chở đến cho chú bé Gióng.

Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con:

– Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi rồi, biết làm thế nào bây giờ con?

Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói:

– Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!

Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng cứ nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên vô cùng khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu, rượu, hoa quả, bánh trái mang đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu thì Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ.

Sau đó, Gióng lại bảo tiếp:

– Mẹ kiếm vải cho con mặc.

Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt trội một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm đến nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm:

– Ta là tướng nhà Trời!

Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đằng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng.

Nhưng tướng giặc Ân vẫn còn cố gào thét hô quân sắp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang. Bỗng chốc gươm gãy, Gióng không chút bối rối, thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán bỏ chạy khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn cho nước nhà. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc Sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.

Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương.

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 5

5.2.5 Truyền thuyết Hai Bà Trưng

Đây là một tác phẩm nằm trong kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam kể về 2 người phụ nữ xinh đẹp, tài trí, kiên cường dám đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Truyện thể hiện được ý chí anh dũng, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta từ xưa đến nay.

ĐỌC TRUYỆN

Ngày xưa, nước ta bị giặc Hán xâm lược, dân chúng khắp nơi vô cùng cực khổ. Chúng dã man cướp phá, bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai khiến nhiều người thiệt mạng vì hổ, báo, cá sấu,... Lòng dân oán hận ngút trời.

Bấy giờ, ở huyện Mê Linh có hai người phụ nữ tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị mồ côi cha từ nhỏ. Hai chị em đều giỏi võ nghệ và nuôi chí giành lại non sông. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng cùng chí hướng với vợ. Tướng giặc là Tô Định biết vậy bèn lập mưu giết chết Thi Sách. Nhận được tin dữ, Hai Bà Trưng quyết định phất cờ khởi nghĩa. Trước lúc xuất quân, có người xin chủ tướng mặc đồ tang, Trưng Trắc trả lời:

- Không. Ta sẽ mặc giáp phục thật đẹp để dân chúng thêm phấn khích, còn bọn giặc trông thấy sẽ phải khiếp sợ.

Tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa lan đi khắp nơi. Các hào kiệt, anh hùng từ nhiều nơi đổ về Mê Linh. Họ muốn chung sức ra tay giúp đỡ Hai Bà Trưng chống lại bọn giặc hung ác. Hai bà chỉ huy quân đánh cho giặc tan tác. Giặc Hán hốt hoảng, tan chạy tơi bời, chúng chết như rạ. Tô Định phải cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù.

Sau đó, nhà Hán lại sai tướng Mã Viện cầm đầu đại quân sang đàn áp. Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng giặc. Nhưng vì quân giặc quá đông, cuối cùng hai bà trẫm mình xuống dòng sông Hát, lại có người nói rằng đến sông Hát hai bà cưỡi hạc bay về trời. Người đời sau ghi nhớ công ơn của Hai Bà Trưng đã lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ.

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 6

 

Truyền thuyết là gì? Cách phân biệt nó với các thể loại khác 7

Truyện truyền thuyết là loại truyện đã được hình thành và gìn giữ qua nhiều thế hệ, nội dung của nó vừa thể hiện được sự tự hào về các vị anh hùng thời xưa vừa mang khao khát của người dân về cuộc sống hạnh phúc. Hy vọng qua bài viết bạn có thể hiểu hơn về loại truyện này.

Ảnh: Internet