5.000 chuyến xe miễn phí đưa người dân về quê tránh dịch

(VOH) - Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang vừa tổ chức chương trình “5.000 chuyến xe miễn phí đưa người dân về quê tránh dịch”.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến đời sống nhiều người chật vật hơn. Bằng sự sẻ chia, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang tổ chức chương trình “5000 chuyến xe miễn phí đưa người dân về quê tránh dịch”, để góp sức, san sẻ với người dân cùng vượt qua khó khăn. 

Trong 3 ngày 25, 26 và 28/9, người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Kon Tum, Bình Định, An Giang và Đồng Tháp có thể lần lượt rời TPHCM, Bình Dương,  Đồng Nai và Long An để lên đường về quê tránh dịch trên những chiếc xe nghĩa tình của Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang.

Ông Đào Viết Ánh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang cho biết, sáng nay (25/9) tại 3 điểm đón TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, 135 thai phụ và con nhỏ người Quảng Ngãi lên đường về quê. Trong đó có 110 thai phụ có tuổi thai trên 32 tuần tuổi vì không đáp ứng điều kiện di chuyển bằng đường hàng không nên Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Phương Trang tổ chức đưa đón những thai phụ này về quê.

phương trang, chuyến xe nghĩa tình
Thai phụ chuẩn bị lên xe về quê vào sáng 25/9

Theo ông Ánh: “Những chuyến xe xuất bến hoàn toàn miễn phí để hỗ trợ bà con nghèo. Để đảm bảo an toàn thì tất cả hành khách phải xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính. Tất cả các lái xe cũng phải có kết quả âm tính. Đồng thời tất cả các chuyến xe đều được khử khuẩn trước khi hành khách lên xe và về tới địa phương thì các địa phương sẽ bố trí cách ly”.

Cũng trong sáng nay, tại Bến xe Miền Tây, những chuyến xe nghĩa tình của Phương Trang tiếp tục đưa 600 người dân Sóc Trăng đầu tiên đã lên đường về quê tránh dịch. Những hành khách đặc biệt này chủ yếu là phụ nữ mang thai, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 65 tuổi và người dân khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ TPHCM có nguyện vọng trở về địa phương. Đây là đợt đầu tiên Phương Trang đưa người dân tỉnh Sóc Trăng về quê.

Được về quê lần này, sinh viên Bùi Ngọc Thuận, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM vui mừng bày tỏ: “Em rất vui vì lâu rồi em không được về quê thăm nhà. Hy vọng TP sẽ sớm vượt qua thời gian giãn cách và hoàn toàn hết dịch. Em rất trông chờ ngày TPHCM hết dịch để quay trở lại TP tiếp tục học. Em cũng tìm đường về mà tại giãn cách nhiều quá nên không có về được. Trước ngày siết giãn cách em cũng đi test nhanh để về nhưng nghe nói không về được nên em cũng ở lại tới bây giờ”.

Trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân - Vũ Chí Kiên, ông cho biết, trên địa bàn quận hiện có người dân của 50 tỉnh, thành phố đến sinh sống và làm việc, thời gian qua quận đang phối hợp với một số tỉnh miền Tây và miền Trung để đưa người dân có nguyện vọng về quê.

“Qua quá trình khảo sát thì có một lượng không nhỏ bà con có nguyện vọng về quê để ổn định cuộc sống, tránh dịch tạm thời và sẽ trở lại Thành phố khi dịch được kiểm soát. Từ đó quận phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Hội đồng hương các tỉnh kết nối liên lạc để đưa người dân trở về quê. Đồng thời bố trí xe chở người dân và tải sản người dân về quê. Trên xe cũng đảm bảo giãn cách và người dân được xét nghiệm âm tính trước khi về quê” – ông Kiên chia sẻ.

covid-19
Một em nhỏ chuẩn bị lên xe cùng gia đình về quê

Tối nay 25/9, tại Bến xe Miền Đông, Phương Trang tiếp tục đưa 300 người dân đầu tiên tại Kon Tum về quê. Trong quá trình đoàn di chuyển, tỉnh Kon Tum có sử dụng 1 xe khách giường nằm để chở Đoàn công tác của tỉnh, dụng cụ y tế, thức ăn và nước uống hỗ trợ cho người dân suốt dọc đường. Ngoài ra, đoàn xe Phương Trang gồm 22 chiếc cũng đưa 550 người dân Bình Định về quê. Đây là đợt thứ 3 người dân Bình Định về quê trên những chuyến xe nghĩa tình của Phương Trang.

Dự kiến, ngày mai 26 và 27/9, tại Bến xe Miền Tây, đoàn xe Phương Trang gồm 17 chiếc tiếp tục đưa 500 người dân Đồng Tháp và 300 người dân An Giang đang sinh sống tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An về quê.

Tính đến nay, FUTA Group đã tổ chức đưa đón hơn 25.000 người dân ở vùng dịch về quê tại các tỉnh thành miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.