Khoảng 80 đại biểu tham dự tọa đàm gồm: lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phía Nam, Sở Thông tin truyền thông TP.HCM, Hội nhà báo TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM, lãnh đạo các cơ quan báo chí TP.HCM và một số cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM cùng cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin-chuyển đổi số (CNTT-CĐS) TP.HCM và các nhà báo/phóng viên hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số tại TP.HCM.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Dương Anh Đức – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu: “Đại dịch vừa qua đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho mọi hoạt động của xã hội. Chúng ta cũng đã thấy được lợi thế của công nghệ và tầm quan trọng của chuyển đổi số như thế nào.
Với báo chí, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần nằm ở việc ứng dụng công nghệ mà phải thay đổi từ tư duy…Hiểu được như vậy, các cơ quan báo chí mới tiến tới quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa…”.
Trong phát biểu đề dẫn, ông Trần Trọng Dũng Chủ tịch Hội nhà báo TPHCM thay mặt Ban tổ chức đã nêu bật chuyển đổi số có tầm quan trọng đặc biệt và là xu thế tất yếu đối với các cơ quan báo chí VN nói chung và báo chí TPHCM nói riêng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid–19 đã và đang gây ảnh hưởng năng nề cho các lĩnh vực của kinh tế, xã hội trong đó có báo chí.
Các cơ quan báo chí TPHCM đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động, có thu được một số kết quả nhưng còn rất khiêm tốn và nhiều hạn chế khó khăn, nếu không kịp thời có những giải pháp từ nội lực cũng như hỗ trợ của TP sẽ không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, khán thính giả, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vị thế, chức năng định hướng dư luận.
Hơn 10 tham luận của các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp công nghệ đã được trình bày tại tọa đàm xoay quanh những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số của báo chí như thực trạng chuyển đổi số, các ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số…
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình chuyển đổi số của báo chí phụ thuộc rất nhiều vào 3 vấn đề cốt lõi đó là công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực. Trong quá trình chuyển đổi số, vấn đề bản quyền cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn hệ thống báo chí là điều mà các đại biểu mong muốn sớm thúc đẩy trong thời gian tới. Cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và các cơ quan báo chí cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để việc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài các đại biểu tham gia tọa đàm trực tiếp, lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục báo chí, Cục An toàn Thông tin, Cục tin học học hóa), lãnh đạo Hội nhà báo các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận) và một số doanh nghiệp công nghệ tham gia tọa đàm dưới hình thức trực tuyến.
Ông Nguyễn Đức Tuân – Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin Truyền thông chia sẻ: “Rủi ro tấn công mạng là rất khó lường, các cơ quan báo chí cần hết sức cảnh giác khi ứng dụng công nghệ thông tin cũng như quá trình vận hành hệ thống chuyển đổi số. Cục an toàn thông tin sẽ hết sức hỗ trợ…”.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM kết luận buổi tọa đàm: “Chuyển đổi số là quá trình tất yếu mà báo chí là ngành chịu tác động trực tiếp. Đây cũng là xu thế của báo chí hiện đại.
Có các vấn đề lớn mà các cơ quan báo chí gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là nhân sự, công nghệ, bản quyền, sự cạnh tranh,…Sở sẽ cố gắng thành lập bộ phận nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Thành phố lẫn các cơ quan báo chí về chuyển đổi số. Đồng thời Sở sẽ tham mưu cho Thành phố về việc đầu tư các công nghệ cho các cơ quan báo chí; Giới thiệu các công nghệ phù hợp, hiệu quả; Cơ chế hỗ trợ tài chính cho các cơ quan báo chí để đầu tư về công nghệ trong chuyển đổi số; xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số cho cơ quan báo chí…Về phía các cơ quan báo chí, cần có định hướng rõ ràng, hiểu rõ thế mạnh của mình để chuyển đổi số được hiệu quả”.
Ngay sau buổi tọa đàm, Hội nhà báo TPHCM đã chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà – Phó Trưởng Văn phòng đại diện báo Đầu tư tại TP.HCM làm chủ nhiệm.
Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP.HCM.
CLB gồm 30 thành viên là các phóng viên chuyên viết về lĩnh vực CNTT, CĐS thuộc các cơ quan báo chí TP và trung ương trên địa bàn TP được tổ chức hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-Chuyển đổi số TP.HCM thông qua hoạt động báo chí.
Cũng trong dịp này, Hội nhà báo TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông cũng phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP.HCM, lần thứ I - năm 2022, dự kiến tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành TTTT 28/8/2022.
-Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách về CĐS;
-Thành tựu và những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện CĐS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc tại TPHCM trong thời kỳ đổi mới và hội nhập;
-Những phát hiện, góp ý về chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, sáng kiến khoa học giúp quá trình CĐS giúp ngành Thông tin Truyền thông TP.HCM thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực Công nghệ thông tin và CĐS;
-Những hoạt động tiêu biểu, những sự kiện nổi bật, những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động đã và đang cống hiến quên mình vì sự nghiệp phát triển ngành Công nghệ thông tin và CĐS TP.HCM; Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong CĐS tại TP.HCM.
-Phát hiện, tôn vinh những cá nhân, đơn vị, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong việc nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT&CĐS vào đời sống, sản xuất, kinh doanh và quản lý mang lại hiệu quả kinh tế cao và làm công tác xã hội tốt tại TP.HCM.