Cần Giờ có 12 vị trí được phép neo đậu phương tiện thủy

(VOH) - Chủ tịch UBND TPHCM đã đồng ý cho Cần Giờ tổ chức 12 vị trí neo đậu phương tiện thủy để phục vụ phát triển du lịch.

UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương cho UBND huyện Cần Giờ bố trí 12 vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.

Xem thêm: Cần Giờ nỗ lực phát triển kinh tế biển

Theo đó, 12 vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy tại Cần Giờ là:

  • Vị trí số 1: Nằm phía bờ trái sông Dừa, thuộc xã Tam Thôn Hiệp, diện tích khoảng 7.500 m2.
  • Vị trí số 2: Nằm phía bờ phải sông Dừa, thuộc xã Tam Thôn Hiệp, diện tích khoảng 7.500 m2.
  • VỊ trí số 3: Nằm phía bờ trái sông Đồng Tranh 1 (luồng hàng hải), thuộc xã Tam Thôn Hiệp, diện tích khoảng 6.000 m2.
  • Vị trí số 4: Nằm phía bờ trái sông Thêu, thuộc xã Thạnh An, diện tích khoảng 7.200 m2.
  • Vị trí số 5: Nằm phía bờ phải rạch Thiềng Liềng, thuộc xã Thạnh An, diện tích khoảng 1.600 m2.
  • Vị trí số 6: Nằm phía bờ phải sông Đồng Đình, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.
  • Vị trí số 7: Nằm khu vực ngã ba rạch Bà Vú và sông Đồng Đình, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.
  • Vị trí số 8: Nằm phía bờ phải sông Dinh Bà 2, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 1.600 m2.
  • Vị trí số 9: Nằm phía bờ trái trên sông Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, diện tích khoảng 1.600 m2.
  • Vị trí số 10: Nằm phía bờ trái sông Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, diện tích khoảng 3.700 m2.
  • Vị trí số 11: Nằm phía bờ trái sông Đồng Tranh 2, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.
  • Vị trí số 12: Nằm phía bờ trái sông Hà Thanh - Đồng Hòa, thuộc Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.
cần giờ
Cần Giờ có nhiều lợi thế phát triển các ngành nghề gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng.

Tại 12 vị trí này, các đơn vị sẽ khai thác nhà hàng nổi; phục vụ ẩm thực trên sông; các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; tàu lưu trú trên sông. Đồng thời, kết nối trực tiếp bằng đường bộ hoặc kết nối bằng đường thủy thông qua phương tiện vận tải thủy đưa vào khai thác tại các bến thủy nội địa đang hoạt động lân cận với các vị trí neo đậu.

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện Cần Giờ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan, bảo đảm trật tự an toàn cho tàu thuyền hoạt động, lưu thông tại khu vực; không gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng trên địa bàn.

Cần Giờ là huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam TPHCM, cách trung tâm khoảng 50 km. Huyện đảo này có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích TPHCM, với gần 80.000 dân, giao với các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Cần Giờ có hơn 33.000 ha rừng ngập mặn, có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Đây là địa phương duy nhất của TPHCM có rừng phòng hộ và có rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển.

Nơi đây có nhiều lợi thế phát triển các ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối, gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng.