Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất tiềm ẩn cháy nổ trong khu dân cư.
Chiều 28/03, thông tin tại buổi họp báo do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng – Phó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) - Công an TPHCM cho biết vừa qua ở một số địa phương trên cả nước cũng như tại TPHCM đã xảy ra các sự cố vụ cháy nổ liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện.
Theo Thượng tá Trưởng, các hệ thống, thiết bị sạc được bố trí trong nhà hoặc công trình là các thiết bị điện thuộc hệ thống điện chung đang sử dụng của ngôi nhà hay công trình đó. Do đó, phải đảm an toàn kỹ thuật về PCCC theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Chính vì vậy, ở các khu vực này phải được trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC phù hợp và phải đảm bảo các điều kiện về khoảng cách an toàn chống cháy, nổ cũng như các điều kiện về thoát nạn nếu có xảy ra sự cố. Đặc biệt là ở các khu vực tầng hầm của các chung cư, tòa nhà. Đây là nơi chứa nhiều loại phương tiện với khối lượng chất cháy nổ cực lớn và nguy cơ cháy nổ cao.
Trên thực tế đã có nhiều vụ cháy xảy ra ở tầng hầm, nhất là các chung cư, đặc biệt là tại vụ cháy Chung cư Carina, quận 8 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì lẽ đó, đối với tầng hầm là nơi cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng lưu ý khi người dân lắp thêm các thiết bị sạc, trạm sạc điện để sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn điện, chống cháy nổ và phải có các giải pháp chống cháy lan.
Và về mặt pháp lý, đối với các trạm sạc được bố trị ở các công trình hiện hữu thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại phụ lục 5, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. “Nếu tự ý làm thay đổi các giải pháp về PCCC đã được thẩm duyệt và nghiệm thu từ trước như giải pháp về thoát nạn, ngăn cháy thì phải được lập hồ sơ thiết kế, cải tạo bổ sung gửi đến cho cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền để thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu theo quy định đảm bảo an toàn PCCC thì mới đưa vào sử dụng. Đối với các trạm sạc được bố trí ở ngoài trời cũng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định” - Thượng tá Trưởng thông tin.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tham mưu Công an TPHCM có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở để làm sao kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn về phòng chống cháy, nổ ở các khu vực có trạm sạc điện, nhất là ở dưới tầng hầm của chung cư, tòa nhà để đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy nổ, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ ngăn chặn và xử lý nghiêm. Đồng thời, cảnh sát PCCC cũng sẽ hướng dẫn ngay các giải pháp an toàn PCCC để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ở các chung cư, tòa nhà công trình có thể sử dụng các thiết bị, trạm sạc điện này phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nhưng vẫn đảm bảo an toàn về PCCC.
Trả lời báo chí về công tác rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến hóa chất dễ gây cháy, nổ trong khu dân cư hiện nay trên địa bàn TPHCM, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng – Phó Trưởng phòng cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) – Công an TPHCM cho biết, hiện nay đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm toàn diện cho Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua, Phòng (PC07) cũng đã tham mưu cho Công an TPHCM tăng cường chỉ đạo công tác điều tra cơ bản, thường xuyên nắm tình hình các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất và có kế hoạch kiểm tra.
Đặc biệt, vừa qua thực hiện theo kế hoạch của UBND TPHCM và chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TPHCM cũng đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh trong khu dân cư.
Các đoàn kiểm tra đã tập trung nhiều lực lượng gồm công an TP, công an các quận, huyện, công an các phường xã phụ trách tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân, các cơ sở sản xuất kinh, đặc biệt liên quan đến sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC; Thực hiện cho người dân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC cũng như quan tâm đến việc tự trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC, có phương án, giải pháp cho lối thoát nạn thứ 2 để phòng ngừa cháy nổ xảy ra.
“Khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết bị điện, các khu vực hóa chất nguy hiểm cháy nổ. Đồng thời, cần trang bị các phương tiện, thiết bị báo cháy để chủ động phát hiện các sự cố cháy nổ ngay từ ban đầu phát sinh thì sẽ chủ động chữa cháy kịp thời có hiệu quả.
Việc này chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP”, Thượng tá Trưởng cho hay.