Đã tiêm được 920.329 liều vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 5
Theo TTO, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết tính đến tối 2/8, theo thống kê chưa đầy đủ, TPHCM đã tiêm được 920.329 liều vắc xin phòng COVID-19. Cơ bản hoàn thành đợt tiêm thứ 5 với mục tiêu trên 900.000 liều trong vòng 10 ngày tiêm (tính từ ngày 22/7). Trong đợt 5 có 1.039 người có phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên hầu hết là triệu chứng nhẹ và được xử lý ổn định, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe.
Từ ngày 3/8, TPHCM bước vào đợt 6 tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
Chờ Bộ Y tế thẩm định vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm được nhà tài trợ tặng mới về Thành phố sẽ chưa được sử dụng trong đợt tiêm này. Vắc xin này đang trong quá trình được Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình, nếu được thẩm định sẽ tiến hành phân bổ và tiêm chủng theo đúng quy trình như các vắc xin khác. Ông Đức cũng cho biết thêm, hiện tất cả các loại vắc xin được tiêm tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải đáp ứng hai yêu cầu là được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp và được chính phủ Việt Nam cấp phép sử dụng.
Theo ông Dương Anh Đức, đợt tiêm thứ 6 sẽ rất đặc biệt, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2021 với sự hỗ trợ của Chính phủ. TPHCM sẽ cố gắng đạt mục tiêu những người đủ 18 tuổi trở lên sẽ cơ bản được tiêm. TPHCM cũng đã gửi văn bản đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế, trong đó đề xuất tháng 8 cấp cho TPHCM khoảng 5-5,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.
Theo thống kê, người từ 18 tuổi trở lên TPHCM có khoảng 7 triệu người. TP đã tiêm được 2 triệu liều. Mặt khác, có khoảng 800.000 người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca trước ngày 30/6/2021 cần phải tiêm mũi 2 vào cuối tháng 8 và khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna trước 31/7/2021 cần phải tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 8. Do vậy, tổng số cả mũi 1 và mũi 2 TP cần có khoảng 5,5 triệu liều.
Ông Đức cho biết thêm, TPHCM tổ chức tiêm vắc xin trên tinh thần tự nguyện, những người đồng ý tiêm sẽ được tiêm. Các loại vắc xin được tiêm phải đáp ứng hai yêu cầu là được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp và được Việt Nam cấp phép sử dụng.
Cố gắng chuyển nhanh F0 trở nặng lên tuyến trên
Cũng tại cuộc họp báo sáng 3/8, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết ngoài việc tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân ở tầng 5 điều trị (điều trị bệnh nhân COVID-19 nguy kịch), TPHCM cũng tập trung triển khai đội vận chuyển các ca bệnh ở các tầng điều trị khác, từ tầng 1 đến tầng 4.
Trong đó cố gắng vận chuyển nhanh các ca F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà hoặc các F1 đang điều trị tại tầng 1 là các quận, huyện nhưng trở nặng lên trên, từ đó giải bài toán điều trị được ngay cho các bệnh nhân.
Cam kết không để bà con ở lại TPHCM thiếu đói
Liên quan đến vấn đề người dân rời TPHCM về quê, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong thời điểm các địa phương đồng loạt thực hiện chỉ thị 16, việc hàng triệu người di chuyển về quê sẽ gây khó khăn trong việc đón nhận. Đồng thời, việc này sẽ gây áp lực lớn cho công tác phòng, chống dịch của TP và các địa phương. Do đó, ông Mãi đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại TP.
"TPHCM sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo chăm lo cho bà con khi lưu trú tại thành phố, chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi cho biết TPHCM cũng đã có chỉ đạo đến các địa phương, các tổ chức nắm bắt các đối tượng cần hỗ trợ, huy động tất cả nguồn lực, tổ chức các đội ngũ thông qua tổng đài để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tính từ 18 giờ 30 ngày 2/8 đến 6 giờ ngày 3/8, Thành phố ghi nhận thêm 1.998 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 3/8. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 100.500 trường hợp mắc COVID-19. Tính đến 7 giờ ngày 3/8 đã có hơn 37.800 trường hợp tại TPHCM điều trị khỏi từ khi dịch bệnh bắt đầu. |