Chủ tịch UBND TPHCM: "Thực hiện nghiêm giãn cách, việc lây nhiễm trong khu phong tỏa sẽ giảm"

(VOH) - Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân TPHCM do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Quận Tân Bình về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Sáng nay (20/7), đoàn công tác của Ủy ban nhân dân TPHCM do ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân quận Tân Bình về công tác phòng, chống dịch Covid -19. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch ủy ban nhân dân quận Tân Bình, cho biết: Hiện quận có 170 điểm phong tỏa, trong đó 15/15 phường đều có điểm phong tỏa, với 365 F1 có đủ điều kiện đang cách ly tại nhà. Ngoài ra, quận cũng thành lập 1.500 tổ Covid-19 cộng đồng với 3.886 thành viên.

Về thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, quận đã lập 76 chốt và thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra soát. Công an quận và các chốt cũng tiến hành xử phạt những người không chấp hành quy định, vi phạm tại các chốt là 345 trường hợp với số tiền 660 triệu đồng.

“Nếu nhà nhà thực hiện nghiêm giãn cách thì chắc chắn việc lây nhiễm trong khu phong tỏa sẽ giảm” 1
Chủ tịch UBND quận Nguyễn Bá Thành báo cáo tại buổi làm việc

Hiện nay, quận đang nâng cấp khu Trung tâm triển lãm 446 Hoàng Văn Thụ từ 400 giường lên 500 giường để điều trị cho bệnh nhân F0 không có triệu chứng và bệnh nhân nhẹ, ông Nguyễn Bá Thành cho biết thêm: “Sẽ bố trí thêm một số nhà vệ sinh lưu động, trên cơ sở chuẩn bị thêm trường Lê Thị Hồng Gấm với quy mô 170 giường đã cải tạo, sửa chữa, có wifi, camera. Hiện nay quận đang cải tạo thêm 2 trường học nữa với quy mô khoảng 360 giường và quận Tân Bình sẽ đảm bảo được 1.000 giường”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Thành cũng kiến nghị Sở y tế Thành phố có sự hỗ trợ thêm về chuyên môn cũng như phương tiện vận chuyển khi có bệnh nhân trở nặng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay việc giám sát việc tuân thủ của F1, F0 đang cách ly tại nhà thì Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng một phần mềm quản lý để giám sát người cách ly có đi ra khỏi khu vực mà họ đã đăng ký hay không. Đồng thời cử 3 lực lượng tham gia giám sát, cụ thể là: Dân phòng - Công an; Y tế và Tổ Covid cộng đồng.

Tại đây, ông Nguyễn Hữu Hưng cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến số ca nhiễm trong các khu phong tỏa luôn tăng cao: “Hầu hết các trường hợp dương tính hàng ngày hầu hết là ở khu phong tỏa. Khi đi khảo sát thì chỉ có hai lý do: Một là F1 đã bị nhiễm nhưng 3 ngày sau mình quét lại thì lại dương tính. Trường hợp thứ 2 là lúc quét chưa nhiễm, nhưng do quá trình giao lưu với cư dân trong khu phong tỏa thì ông ấy lại nhiễm. Do đó tôi đề nghị các phường, đối với khu phong tỏa nhiều ca F0 thì xem lại hai nguyên nhân trên. Một là khi điều tra truy vết F0, lập danh sách F1 thì có bỏ sót hay không? Vì rất nhiều nơi cứ xét nghiệm là ra”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận và các phường cần phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm tra, thường xuyên, nhắc nhở người dân trong khu phong tỏa hạn chế sự tiếp xúc giữa nhà này với nhà kia. Đồng thời, quận cũng chỉ đạo Bí thư 15 phường giao nhiệm vụ cho Bí thư từng khu Phố để vận động nhân dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Đặc biệt, cần trang bị đầy đủ các vật tư y tế, đồ bảo hộ, có kinh phí hỗ trợ lực lượng này làm nhiệm vụ. Nếu nhà nhà thực hiện nghiêm giãn cách thì chắc chắn việc lây nhiễm trong khu phong tỏa sẽ giảm. Ngoài ra, ở mỗi phường nếu có hộ gia đình khó khăn, phường phải có đường dây nóng để bà con phản ánh những bức xúc, khó khăn khi cần sự hỗ trợ. Không để bà con có những bức xúc mà không biết gọi cho ai.

“Nếu nhà nhà thực hiện nghiêm giãn cách thì chắc chắn việc lây nhiễm trong khu phong tỏa sẽ giảm” 2
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để tận dụng thời gian vàng này triển khai một cách quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch“Đối với các khu phong tỏa phải tiến hành sớm, sau đó tiến hành xét nghiệm tầm soát nhanh để phát hiện những ca F0, F1. Sau đó quản lý nghiêm để chống lây nhiễm ở trong khu phong tỏa. Với trường hợp F1 không có điều kiện cách ly tại nhà thì đưa đến khu cách ly của Quận và Thành phố. Trong thời gian qua, vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách người với người, nhà với nhà trong khu phong tỏa cho nên lây chéo ở trong cộng đồng. Khi chúng ta phong tỏa, có rào chắn bên ngoài nhưng ở bên trong lại thực hiện giao lưu thì đây lại là tạo điều kiện cho nếu phát sinh ca nhiễm thì sẽ lây rất nhanh”.

Cùng ngày, đoàn công tác đến thăm và động viên đội ngũ y bác sĩ, nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM (Bệnh viện Trưng Vương) đang trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với chức năng nhiệm vụ gồm vận chuyển cấp cứu người bệnh tại cộng đồng, vận chuyển các trường hợp liên quan đến Covid-19 giữa các cơ sở cách ly, bệnh viện điều trị và trong cộng đồng. Tại đây Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, theo dõi phần mềm quản lý vận chuyển cấp cứu người bệnh trên hệ thống internet.

Bình luận