Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyển đổi số trong báo chí thành phố có bước chuyển mình mạnh mẽ

(VOH) - Năm 2022, TPHCM đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, gắn kết với xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh...

Chương trình chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Báo chí cũng không nằm ngoài tiến trình chuyển đổi số toàn diện tại TPHCM, phóng viên VOH phỏng vấn ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM về nội dung này.

Ông Lâm Đình Thắng
Ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM.

*VOH: Thưa ông, để chuyển đổi số trong quá trình quản trị thành phố không chỉ là chuyện của các ứng dụng công nghệ vào đời sống, mà ở đây là con người sẽ sử dụng và thụ hưởng những thành quả của chuyển đổi số. Quan điểm của ông về nhận định này là như thế nào?

- Ông Lâm Đình Thắng: Tôi rất đồng tình với nhận định này. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi cách sống và cách làm việc dựa trên công nghệ số chứ không phải chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Như vậy, vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan đơn vị rất quan trọng, bởi vì thay đổi phương thức làm việc, thay đổi quá trình vận hành của một tổ chức thì chỉ có thể là người đứng đầu chứ không phải là người phụ trách công nghệ thông tin.

Ngoài ra, chuyển đổi số đặt trọng tâm từ người thiết kế xây dựng phần mềm sang người dùng. Người dùng sẽ là tác giả đặt ra yêu cầu của bài toán, người dùng sẽ góp ý làm cho công nghệ thông minh hơn. Như vậy, tri thức của người dùng giúp công nghệ thông minh hơn sẽ giữ vai trò quyết định.

Tại TPHCM, chuyển đổi số trong quản trị thành phố có nghĩa chúng ta thay đổi một cách tổng thể, toàn diện về phương thức quản trị điều hành của bộ máy chính quyền Thành phố dựa trên dữ liệu và công nghệ. Điều này nó đòi hỏi phải có sự thay đổi về nhận thức và tư duy của lãnh đạo các cấp, của cán bộ công chức. Họ phải có những đột phá, có phương thức làm việc mới, xây dựng thể chế mới, cách làm mới dựa trên công nghệ và dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó, xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp, vừa là người thụ hưởng nhưng cũng phải là đồng tác giả với các cơ quan nhà nước để có thể thiết kế, xây dựng hệ thống công nghệ, hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản trị Thành phố và giúp cho cuộc sống của mình được thuận tiện hơn.

*VOH: Báo chí là cầu nối, là kênh tuyên truyền thông tin, thì chắc chắn Chuyển đổi số trong báo chí ở TPHCM cũng là vấn đề mà lãnh đạo thành phố rất quan tâm thời gian qua. Ông đánh giá về quá trình chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM hiện nay ra sao?

- Ông Lâm Đình Thắng: Trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí Thành phố rất nhanh nhạy trong chủ động tiếp cận với các công nghệ số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Một số cơ quan báo chí có thể kể đến như điển hình: Báo Tuổi trẻ, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Pháp luật Thành phố, Tạp chí Kinh tế của Thành phố đã xây dựng cho mình những tòa soạn hội tụ đa phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Đa phần các cơ quan báo chí của TPHCM cũng đã xây dựng được những sản phẩm gắn với các nền tảng mạng xã hội dưới nhiều hình thức sản phẩm khác nhau như podcast, longform, megastory, imagazine… Với những hình thức sản phẩm báo chí mới này đã giúp cho các cơ quan báo chí Thành phố tiếp cận với bạn đọc ngày càng đông đảo hơn, tính tương tác cao hơn, gần gũi thân thiện với bạn đọc nhiều hơn.

Trong quá trình theo dõi, tôi thấy các cơ quan báo chí có thực hiện một điểm rất quan trọng và đi đúng hướng của chuyển đổi số là tập trung xây dựng và khai thác kho cơ sở dữ liệu mà các cơ quan báo chí đang có; điển hình là Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Các nỗ lực của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua thì chúng tôi đánh giá rất quan trọng để giúp cho các xu thế của các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM theo hướng sẽ có nhiều sản phẩm hơn để phục vụ cho bạn đọc. Nhìn một cách tổng thể, các cơ quan báo chí của TPHCM đang tiếp cận với chuyển đổi số một cách nhanh nhạy và chủ động. Từ đó hình thành xu thế phát triển mới cho cơ quan báo chí của Thành phố trong thời gian sắp tới.

*VOH: Theo tôi, chắc sẽ còn đó những khó khăn, những thách thức với các cơ quan báo chí trong thực hiện chuyển đổi số?

- Ông Lâm Đình Thắng: Bên cạnh thuận lợi và xu thế phát triển của các cơ quan báo chí thì các cơ quan báo chí tại TPHCM cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Doanh thu hiện nay về tổng thể của các cơ quan báo chí là đang sụt giảm vì sự tác động của đại dịch covid 19 cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng mạng xã hội.

Chúng tôi tạm thống kê có 5 thách thức lớn mà các cơ quan báo chí đang gặp phải.

Thứ nhất là vấn đề thiếu tự chủ về công nghệ mà phải phụ thuộc vào công nghệ của các đơn vị đối tác.

Thứ hai là sự khó khăn về vốn đầu tư. Trong điều kiện là doanh thu của các đơn vị báo chí đang gặp khó khăn, nhưng vốn đầu tư cho công nghệ là rất lớn và không có điểm dừng, không có giới hạn.

Thứ ba là sự cạnh tranh quyết liệt của các nền tảng mạng xã hội.

Thứ tư là nạn ăn cắp bản quyền, sao chép nội dung của các cơ quan báo chí chính thống diễn ra trên mạng xã hội thì vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Thứ năm là thách thức đến từ bạn đọc. Bạn đọc hiện nay chưa có thói quen là chấp nhận trả phí để đọc các nội dung trên báo.

Bên cạnh đó, xu hướng cá nhân hóa về mặt thông tin làm cho thông tin báo chí đến với bạn đọc bị giới hạn hơn, ít hơn và thường bị chèn bởi các thông tin trên mạng xã hội khác.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng trong nguy có cơ, các cơ quan báo chí nên xem đây là thách thức và cũng là cơ hội để tận dụng các điều kiện, các công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc, thay đổi mô hình làm việc, thay đổi sản phẩm, để từ đó có các dịch vụ mới sản phẩm mới, phục vụ cho bạn đọc tốt hơn, thực hiện tôn chỉ mục đích của mình hiệu quả hơn.

*VOH: Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 đang diễn ra sôi nổi tại TPHCM. Ông có lời nhắn gửi gì đến các đơn vị tham gia cuộc thi năm nay?

- Ông Lâm Đình Thắng:

TPHCM vốn có truyền thống là thân thiện, hiếu khách, rất sẵn lòng tổ chức những hoạt động có qui mô quốc gia quốc tế trên địa bàn Thành phố. Chúng tôi rất hân hoan, đón chào các bạn và tổ chức các hoạt động của Liên hoan phát thanh toàn quốc tại TPHCM. Qua Liên hoan này, chúng tôi mong muốn các đơn vị trên cả nước có thể có những trải nghiệm thật ý nghĩa, có nhiều niềm vui trong các hoạt động giao lưu, học hỏi được nhiều bài học về chuyên môn nghiệp vụ lẫn công tác chuyển đổi số của TPHCM và của các đơn vị với nhau. Để khi kết thúc Liên hoan có thể ứng dụng thành công trong hoạt động của mình và thúc đẩy phát triển ngành phát thanh toàn quốc ngày một mạnh mẽ và bền vững hơn. Chúc Liên hoan thành công tốt đẹp.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận