Chờ...

Chuyên gia kiều bào hiến kế cho TPHCM phục hồi và vững bước phát triển

(VOH) - Chiều 14/12, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ Kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của Thành phố.

Nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; ghi nhận các ý kiến đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình phát triển của Thành phố trở lại bình thường mới hậu Covid-19, chiều 14/12 UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ Kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của Thành phố với chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu Covid-19: vấn đề và kiến nghị”.

Chuyên gia kiều bào hiến kế cho TPHCM phục hồi và vững bước phát triển 1
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định: dịch bệnh COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã để lại biết bao đau thương, mất mát, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của nước nhà nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Trong khó khăn, chúng ta càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng như cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại, và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, năng động sáng tạo và thích ứng của tất cả chúng ta. "Từ năm ngoái đến nay, xuyên suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều tổ chức cá nhân kiều bào ủng hộ với số tiền trị giá từ chục triệu, đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp nhận rất nhiều kiến nghị, giải pháp ý nghĩa của quý kiều bào đóng góp trên nhiều lĩnh vực thông qua nhiểu hình thức khác nhau. Việc Thành phố Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt dự tính phải đối diện với nhiều vấn đề, đòi hỏi chúng ta phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố trong năm 2021. Tôi kỳ vọng buổi gặp gỡ hôm nay, sẽ tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến góp ý của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để chung tay phục hồi và phát triển thành phố một cách bền vững, toàn diện", ông Võ Văn Hoan phát biểu.

Nhận định Việt Nam rất cần những cải cách mạnh mẽ chưa từng có và những động lực có sức đột phá lớn để mạnh hơn sau thời kỳ hậu Covid-19. Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kì 2016-2021 cho rằng TPHCM mang một trọng trách to lớn có sứ mệnh, tiềm lực, và cơ hội để phất cao ngọn cờ cải cách với ý chí chiến lược hướng về tầm nhìn 2045. Để hiện thực hoá vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Khương đưa ra 3 đề xuất bước đầu. Đó là: Nâng tầm quản trị với chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số; hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng Thành phố Hồ Chí Minh cùng 6 tỉnh phụ cận và xúc tiến các thử nghiệm để xây dựng thành phố Thủ Đức thành đô thị Việt Nam vào năm 2045. "Khi nói đến phát triển tương lai của một thành phố cũng như quốc gia thì chúng ta nhìn đến 3 đặc thù: khả năng đột phá là những gì đang thực hiện có đổi thay không hay chỉ là quy trình cũ mà đầu tư thêm. Với những người sống ở nước ngoài như chúng tôi kì vọng rằng TPHCM nếu không thể đột phá thì VN không thể đột phá. Thứ 2, sức mạnh cộng hưởng có nghĩa trên dưới 1 lòng, những người bình thường tập hợp làm những điều phi thường mà chúng ta đã từng làm trong kháng chiến. Thứ 3, TPHCM rất cần thiết trở thành ngọn hải đăng, thu hút những kiến thức sáng ngời của nhân loại để học hỏi, chiêm nghiệm và vượt lên", Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Khương phân tích.

Chuyên gia kiều bào hiến kế cho TPHCM phục hồi và vững bước phát triển 2
Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Trong khi đó, là KTS - chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin - Viễn thông cao cấp của Vodafone Ziggo tại Hà Lan, ông Lâm Việt Tùng nhấn mạnh về hiện trạng dịch vụ công và cơ sở dữ liệu mở của TPHCM khi TPHCM mới chỉ đạt 10-30% dịch vụ công cấp độ 4, kiến trúc phân tán, có nhiều hệ thống văn bản kết nối qua trục liên thông bị tắc nghẽn, khó thay đổi . Do đó, TPHCM cần tiếp tục ưu tiên chuyển đổi số, đẩy mạnh chính quyền số: "Ở TPHCM, tôi nghĩ phải phát triển cổng dịch vụ công tập trung cho các bộ ngành, đại phương trên nền tảng điện toán đám mây. Thứ 2 là hệ thống định danh phải biết được ai là người dùng. Hiện hệ thống dữ liệu dân cư của Bộ Công An và dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp phải hợp lại, lúc đó chúng ta mới có cái nhìn xuyên suốt về dữ liệu cư dân để quản lý. Đây là vấn đề quan trọng để xác định ai là người đang tham gia trên thế giới ảo và hệ thống các dịch vụ công."

Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu TPHCM trong bối cảnh mới, ông Danny Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - Giám đốc Điều hành Global Health Assist - Vietnam đưa ra giải pháp về “Xây dựng, quảng báo thương hiệu thành phố - Vươn lên trở thành một “Megacity” mới của thế giới”. Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, Megacity là những thành phố lớn có dân số trên 10 triệu người, nơi đây có thể là một vùng đô thị biệt lập hoặc hai hay nhiều đô thị nằm gần nhau, có tầm ảnh hưởng đến thế giới và nền kinh tế của quốc gia. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 37 thành phố được xem là siêu đô thị. Ông Danny Võ hiến kế: "Nhắc đến chiến lược là có 3 điều: tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Tôi đề xuất TP xây dựng "3 chữ T": "Tử tế", "Tích cực" và "Thân thiện" là những giá trị cốt lõi, xuyên suốt cho người dân TP. Có thể tạo thành 1 chân kiềng rất vững 3 chân chiến lược, hình ảnh, văn hoá của thương hiệu. Công thức 4C giúp phát triển thương hiệu mạnh: Clear (Sự rõ ràng), Consistent (Tính đồng nhất), Conviction (Sức thuyết phục), Class (Tính ưu việt). TPHCM có nhiều sông rạch kết nối đường biển tốt thì nên phát triển du thuyền, như dịch Covid-19 vừa rồi, hàng không bị giới hạn thì việc tỷ phú đi du thuyền trên thế giới và tới Việt Nam. Do đó, TPHCM có thể xem  đây là hướng đón đầu để dễ dàng tiếp cận hơn".

Chuyên gia kiều bào hiến kế cho TPHCM phục hồi và vững bước phát triển 3
Ông Danny Võ Thành Đăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Tại Hội nghị, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan đánh giá cao về sự vượt khó rất nhanh của TPHCM trước đại dịch Covid-19, lãnh đạo TPHCM rất cầu thị , lo lắng đến an nguy của người dân khi chủng virus Delda xuất hiện tại Ấn Độ. Và bằng những kinh nghiệm thực tế từ quốc gia này, Đại sứ Phạm Sanh Châu đề xuất các vấn đề cụ thể cho TPHCM: "Tôi nghĩ TPHCM phải xử lý bằng được vấn đề bất bình đẳng, xoá đói giảm nghèo vì đây là yếu tố để TPHCM phát triển hơn nữa và hội nhập vào các tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Thứ 2, TPHCM phải tạo ra bản sắc vì TP đã hội nhập rất nhiều. Thứ 3, ngoài khát vọng, quản trị, các yếu tố khác thì TPHCM phải xây dựng ý thức kỷ luật. Điển hình mô hình Hàn Quốc, Israel, tất cả công dân đến tuổi nghĩa vụ đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đó là ý thức kỷ luật, tuân thủ và hành động thì mới tạo ra sự đồng lòng. Cuối cùng, TPHCM phải quyết liệt về công nghệ số, công nghệ sinh học và xây dựng trung tâm chất bán dẫn. Nếu thực hiện được là một sự đột phá."

Chuyên gia kiều bào hiến kế cho TPHCM phục hồi và vững bước phát triển 4
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan

Cũng trên kinh nghiệm và thực tiễn tại nước ngoài, Tiến sĩ Kinh tế Phan Bích Thiện, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary đưa ra nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và hệ thống y tế thông qua chuyển đổi số, trong đó số hoá cơ sở dữ liệu chung với hiệu thuốc. "Nghĩa là triển khai việc viết đơn thuốc thông qua hệ thống đám mây điện tử. Bác sĩ sẽ kê đơn điện tử cho bệnh nhân, vào hiệu thuốc, bệnh nhân chỉ cần nói số Bảo hiểm y tế. Đặc biệt trong tình hình Covid tránh tiếp xúc là cần thiết, bệnh nhân khám bệnh định kì chỉ cần viết email cho bác sĩ và bác sĩ ghi đơn lên hệ thống đám mây thì bệnh nhân có thể đi mua thuốc, vừa tiết kiệm thời gian khám cho bác sĩ và cho bệnh nhân", Tiến sĩ Bích Thiện nói.

Với hơn 35 ý kiến đóng góp cụ thể, phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau cùa các chuyên gia kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trân trọng cảm ơn và tiếp thu các hiến kế  thiết thực vừa nêu. Ông Hoan cho biết theo dự báo của Tổng cục thống kê VN, dự kiến cuối năm 2021, GDP TPHCM chỉ đạt -6,78% trong khi mục tiêu phấn đấu trước đó là 6,5%. Nhưng với truyền thống năng động sáng tạo của TPHCM, TP đã đặt ra quyết tâm cao biến nguy thành cơ, biến đau thương thành hành động: "Với truyền thống năng động sáng tạo, TP đã bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu lấy lại vị thế đầu tàu về kinh tế, động lực tăng trưởng, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cho nên TP đã xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế XH trong tình hình mới. TP đặt ra quyết tâm cao tức là biến nguy thành cơ, biến đau thương thành hành động và gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế và chăm sóc an sinh XH. Đây là 3 trụ cột để TP thực hiện chủ trương, kế hoạch phát triển".

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, với khoảng 5,3 triệu người VN đang sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia, trong đó 80% kiều bào tại các nước phát triển thì đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của VN nói chung và TPHCM nói riêng. TPHCM xem đây là cơ hội và một nguồn lực then chốt để giúp TP phục hồi nhanh, vững bước phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19.