Sáng 9/12, tại Kỳ họp lần thứ 17 Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ hai lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cử tri bày tỏ sự kỳ vọng vào các giải pháp quyết liệt của Thành phố ở hai lĩnh vực này.
Quang cảnh kỳ họp thứ 17 HĐND TP khoá IX. Ảnh: Thành uỷ TPHCM
Về vấn đề ô nhiễm không khí mà đại biểu đặt ra tại kỳ họp, cử tri Đặng Văn Khoa cho rằng, mong muốn có một bầu không khí trong lành để hít thở, một dòng sông xanh, một môi trường sống lành mạnh ở thành phố lớn, đó là điều kiện sống tối thiểu nhưng vẫn chưa có được ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những chủ trương, tiêu chuẩn, quy định, Luật lệ về những điều này đã đầy đủ, vấn đề là bộ máy công quyền đã thực hiện những quy định, Luật, tiêu chuẩn đó như thế nào, có nghiêm minh, có chặt chẽ hay không?
“Phần lớn trong chúng ta chính là người gây ô nhiễm đó, nên trách nhiệm trong vấn đề này không chỉ trách nhiệm thuộc về công quyền mà còn là của mỗi người công dân chúng ra. Tôi mong rằng, bên cạnh chúng ta yêu cầu cao đối với trách nhiệm của công quyền, thì mỗi người dân hãy trồng thêm một cây xanh, quét sạch thêm ngôi nhà, vỉa hè, bớt xả rác bừa bãi, sửa chiếc xe để đừng xả khói đen ra môi trường... Hàng triệu người làm như vậy sẽ tạo sức mạnh lớn, hiệu quả lớn cho môi trường” - cử tri Đặng Văn Khoa nói.
Cử tri Bùi Văn Kiểm ở huyện Nhà Bè cho rằng, Thành phố cần phải có giải pháp cụ thể hơn nữa trong việc phân loại rác thải nhựa tại nguồn. “Thứ nhất, về vấn đề môi trường, tôi hoan nghênh tinh thần của cả nước cũng như của Thành phố tập trung vào vấn đề môi trường, về rác thải nhựa… Nhưng tôi thấy Thành phố chuẩn bị chưa thật kỹ trong vấn đề phân loại rác tại nguồn, tôi nghĩ mình phải làm thật kỹ. Ví dụ, thiết kế hệ thống như thế nào, quy trình như thế nào, người dân phân loại ra sao, các bộ phận lấy rác thu gom từ các nhà dân từ phường, xã, quận huyện sẽ xử lý việc phân loại rác đó như thế nào, khi chuyển lên trên phân loại ra sao. Dường như chúng ta làm chưa kỹ vấn đề này, nên bị lúng túng, có chỗ phân loại có chỗ thì chưa” - Cử tri Bùi Văn Kiểm ý kiến.
Liên quan đến tình hình an ninh trật tự vào cuối năm, cử tri Thái Thanh Tâm, ở huyện Bình Chánh kỳ vọng: “Về vấn đề tội phạm, trộm cướp, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… người dân quan tâm và bức xúc. Về phía chính quyền, cơ quan chức năng nên có những chế tài mạnh để răn đe, xử lý nghiêm. Thứ hai là cũng phải tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong quá trình cùng tham gia phòng chống tội phạm, tự bảo vệ tài sản của cá nhân cũng như cho cả cộng đồng”.
Đánh giá cao phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Công an Thành phố - Lê Đông Phong, tuy nhiên, Luật sư Trương Thị Hòa cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình cướp giật cuối năm thường gia tăng, bà mong muốn đội ngũ chức năng có khuyến cáo cho người dân, cũng như bản thân người dân nên có sự tương trợ lẫn nhau đề cao cảnh giác.
“Tôi cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Công an thì bản thân từng người dân, các hộ gia đình tăng cường sự cảnh giác và bà con hàng xóm cũng nên giúp đỡ nhau. Tôi mong muốn ngành Công an nên có văn bản nhắc nhở, đưa ra những kinh nghiệm. Tôi thấy thỉnh thoảng ngành Công an có đưa ra những văn bản như thế tôi rất thích. Tức là từng trường hợp thì nên có cách ứng phó thế nào… thì phải chú ý đề cao cảnh giác để phòng ngừa” - Luật sư Trương Thị Hòa nói.
Thời điểm cuối năm, vấn đề về tội phạm trộm cướp, an ninh trật tự, nhất là các khu vực vùng ven làm cho người dân thêm lo lắng. Vì vậy, người dân rất cần những sự hướng dẫn, cảnh báo kịp thời từ các cơ quan chức năng trong việc tự phòng chống tội phạm, để người dân góp phần cùng chính quyền địa phương giữ gìn, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại nơi mình sinh sống.