Tại buổi tiếp xúc cử tri, sau khi nghe ông Dương Văn Thăng - Phó Chánh án toà án nhân dân tối cao, đại diện Đại biểu quốc hội TPHCM, đơn vị số 9 báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 15, cử tri quận 4 lần lượt có ý kiến.
Theo cử tri Đoàn Minh Hoàng, ở phường 10, quận 4, trong 2 năm qua dịch covid 19 diễn biến phức tạp, cùng với những biến động của tình hình thế giới gần đây đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó nếu nhà nước không có chính sách, giải pháp quyết liệt thì tăng trưởng GDP có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra.
Cử tri Đoàn Minh Hoàng đề nghị: "Chính phủ và Quốc hội cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế. Đây cũng là trọng trách rất lớn đối với ngân hàng, trong đó có vai trò quan trọng của ngân hàng nhà nước.
Ngoài ra, việc điều hành lãi suất phù hợp cũng góp phần ổn định nền kinh tế, chính sách tiền tệ, quản lý giá, có sự đồng bộ, điều chỉnh linh hoạt với những biến động của thị trường. Về phía ngành ngân hàng cũng cần có giải pháp hiệu quả hơn để giảm rủi ro khi cho vay, giảm tối đa nợ xấu".
Ngoài vấn đề kinh tế, cử tri Lê Thị Hằng quan tâm đến vấn đề bạo lực gia đình. Theo cử tri Lê Thị Hằng trong thời gian qua tình trạng bạo lực trong xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối.
Cử tri Lê Thị Hằng đề xuất: "Cần đưa những biện pháp mạnh, biện pháp mà người ta cảm thấy xấu hổ trước mọi người khi mà thực hiện hành vi bạo hành gia đình như vậy. Theo tôi, nên đưa vào luật các biện pháp như phê bình, kiểm điểm trước tổ dân phố, trước cơ quan đơn vị mà người vi phạm làm việc. Rồi làm cam kết, bảng kiểm điểm không tái phạm trước cơ quan công an xã, phường.
Rồi khi mà cơ quan công an xã phường nhận được thông tin có bạo lực gia đình xảy ra thì phải đến ngay hiện trường và yêu cầu ngay người vi phạm phải về trụ sở công an làm tường trình, giải trình, làm bảng kiểm điểm, bảng cam kết và có thể là giữ lại nếu họ gây ra hậu quả nghiệm trọng để cấm họ tiếp xúc với người đang bị bạo lực ở nhà".
Sau khi nghe 15 phát biểu của cử tri với 18 ý kiến, trong đó góp ý về luật khám chữa bệnh, luật phòng chống bạo lực gia đình, luật đất đai sửa đổi, luật thanh tra, luật kinh doanh bảo hiểm, luật cảnh sát cơ động và liên quan đến công tác đào tạo nghề cho thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, một số giải pháp về phát triển kinh tế, xã hội thành phố sau đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM thay mặt tổ đại biểu quốc hội số 9 tiếp thu ý kiến: "Tôi xin ghi nhận về các ý kiến góp ý về các bộ luật. Đây là các nội dung trong thời gian vừa qua, căn cứ vào các nội dung thì đoàn đại biểu quốc hội cũng đã tổ chức các phiên họp để nghe ý kiến các giới, các ngành, các chuyên gia ở trong các lĩnh vực để góp ý.
Từ thư ký của buổi tiếp xúc hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp hết các ý kiến và sẽ ghi nhận, bổ sung vào trong báo cáo các nội dung góp ý sửa đổi luật của đoàn đại biểu quốc hội thành phố gửi về cho quốc hội để tổng hợp. Đối với đơn vị số 9 này của đoàn đại biểu thành phố thì trong các phiên họp thảo luận thì chúng tôi sẽ tham gia các ý kiến góp ý để Ban soạn thảo ghi nhận để đưa vào trong dự thảo một cách khả thi nhất"