Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cuối năm, TP HCM cần 70 ngàn lao động

(VOH) - Dự kiến quý IV/2022, TPHCM cần khoảng 69.500 - 77.100 chỗ làm việc (khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 66,56%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,3%...

9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM khảo sát 69.671 lượt doanh nghiệp, 211.720 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,14%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,77%, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 0,09%.

Một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo (24,8%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (20,14%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (9,34%); hoạt động kinh doanh bất động sản (8,33%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (7,1%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (5,77%)…

Cuối năm, TP HCM cần 70 ngàn lao động 1
Ảnh minh họa: SGGPO

Cũng theo Trung tâm, từ sau đại dịch, xu hướng tìm kiếm công việc có thời gian linh hoạt và an toàn ngày càng gia tăng. Đồng thời, việc biến động một số ngành nghề trong xã hội, sự thay đổi về nhận thức của phần lớn lao động trẻ cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà tuyển dụng, ảnh hưởng không nhỏ đến cung - cầu.

Thị trường lao động trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi phần lớn doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cùng với việc hoàn thành các đơn hàng trong năm. Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng ở việc làm bán thời gian, lao động thời vụ, tập trung ở các ngành bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; dệt may - giày da; chế biến thực phẩm; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…

Dự kiến quý IV/2022, TPHCM cần khoảng 69.500 - 77.100 chỗ làm việc (khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 66,56%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,14%.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở lao động qua đào tạo chiếm 84,85%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 16,83%, cao đẳng chiếm 24,65%, trung cấp chiếm 28,6%, sơ cấp chiếm 14,77%; lao động chưa qua đào tạo chiếm 15,15%.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động cho các khâu sản xuất trực tiếp như công nhân may mặc, da giày, chế biến thủy sản, vận hành máy in, nhân viên đứng máy CNC… Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng cũng tập trung lớn ở các ngành thương mại dịch vụ, kinh doanh, bán hàng, giao nhận, kế toán, ngân hàng, xây dựng sửa chữa nhà, trang trí nội thất; chăm sóc sắc đẹp; nhân viên trang trí cảnh quan, chăm sóc cây cảnh…

Thị trường cung ứng nhân lực phần lớn là từ sinh viên tốt nghiệp ra trường, nguồn lao động dịch chuyển giữa các tỉnh/thành và trong các doanh nghiệp…

Bình luận