Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo sẽ tăng mạnh trong những năm tới

(VOH) - Trong những năm qua, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – viết tắt là AI) không ngừng tăng, và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Dù tại một số trường đại học và trung tâm đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) trong nước có đào tạo chuyên ngành này nhưng không đồng nghĩa với việc nước ta sẽ có đủ người tài để tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển AI trong thực tế.

Tại Hội thảo The future of work: Case studies of digital transformation in Asia diễn ra chiều 26/5, PGS. TS. Felix Tan – Đại học New South Wales cho rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển AI và nhất là khả năng vận dụng AI trong các doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn thiếu nguồn lực và sự hiểu biết về AI; thiếu sự liên kết với trường đại học, thiếu liên kết giữa trường đại học - chính phủ cũng như với các doanh nghiệp… trong việc nghiên cứu, ứng dụng AI. Chúng ta có thể xoá được khoảng cách này khi phối hợp cùng nhau trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo…” – ông Felix Tan chia sẻ.

Xem thêm: Tin nóng trưa 27/4: Chẩn đoán Covid-19 qua tiếng ho bằng trí tuệ nhân tạo

TS. Felix Tan – Đại học New South Wales
PGS. TS. Felix Tan – Đại học New South Wales

Hội thảo The future of work: Case studies of digital transformation in Asia là một trong chuỗi 9 hội thảo do trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức nhằm chia sẻ các khái niệm, công cụ cơ bản và các ứng dụng cuả trí thông minh nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, nhà trường còn hướng tới việc kết nối cộng đồng các chuyên gia về AI trong và ngoài trường thông qua sự kiện này từ đó góp phần truyền cảm hứng tích cực cho việc nghiên cứu các lĩnh vực liên quan ứng dụng AI của giảng viên và sinh viên trong nhà trường.

PGS. TS. Nguyễn Văn Sinh - Trưởng khoa CNTT, trường Đại học Quốc tế cho biết, trí tuệ nhân tạo là một nhánh của Khoa học máy tính tập trung vào việc tạo ra những cỗ máy thông minh hoạt động như con người. Trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng phổ biến trong thành phố thông minh, nhà thông minh, tự động hóa công nghiệp… Như vậy, lĩnh vực này rất rộng và nhu cầu nhân lực rất lớn.

Tại Việt Nam, vài năm gần đây, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã thành lập các trung tâm chuyên nghiên cứu AI; triển khai nghiên cứu và ứng dụng AI trong thực tế như nhận dạng hình ảnh (camera giao thông, an ninh), lọc tin nhắn rác, đảm bảo an toàn thông tin…

Một số trường đại học cũng đã mở ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành CNTT). Sinh viên tốt nghiệp, bên cạnh năng lực chuyên môn như một cử nhân CNTT, còn nắm được một cách hệ thống khoa học - công nghệ về AI; có thể làm việc với vai trò là nhà kỹ thuật/chuyên môn, hay quản lý/kinh doanh về CNTT và AI…

Dù mỗi trường có khung chương trình đào tạo khác nhau nhưng theo giáo sư PGS. TS. Felix Tan, sinh viên theo học ngành AI nói riêng và CNTT nói chung ngoài niềm đam mê, giỏi kiến thức chuyên môn rất cần có sự ham học hỏi – trong cả các lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại điện tử, hay đơn giản là cách bạn của mình  tiêu tiền như thế nào… Bởi các kiến thức đời sống cùng trải nghiệm thực tế sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng hơn trong việc ứng dụng kiến thức chuyên môn vào việc giải quyết những vấn đề cuộc sống, thị trường…

Xem thêm: Tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hệ thống tư vấn và hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa

Hiện nay, trường Đại học Quốc tế dù chưa chính thức mở ngành đào tạo về AI nhưng đa số các hướng nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên ngành Khoa học máy tính đều liên quan tới lĩnh vực AI, chẳng hạn như nghiên cứu về quản lý hệ thống giao thông thông minh (đã triển khai thí điểm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt); ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh ngoài da…

Với định hướng trở thành đại học nghiên cứu nên thông qua việc tổ chức hội thảo lần này, trường Đại học Quốc tế muốn góp phần tạo mối liên kết và nâng cao chất lượng các dự án nghiên cứu có ứng dụng AI trong nhà trường.

Không chỉ vậy, với sự tham gia, chia sẻ của các diễn giả, giảng viên có chuyên môn cao đang làm việc tại các trường đối tác uy tín…, các buổi hội thảo kỳ vọng sẽ phần nào đem đến cho sinh viên, cán bộ giảng viên nhà trường những nội dung mới về câu chuyện chuyển đổi số, phát triển AI trên thế giới nói chung và ở khu vực châu Á nói riêng, đặc biệt là ở Việt Nam. Từ đó, truyền cảm hứng cho giảng viên, sinh viên trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về AI, tiến tới tạo được đội ngũ nhân lực phù hợp, có kiến thức, kỹ năng cho công cuộc chuyển đổi số đa ngành, đa lĩnh vực tại Việt Nam.