Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Cần chăm sóc sức khỏe thâm thần cho nhân viên y tế

(VOH) - Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe thâm thần cho nhân viên y tế trong và sau dịch rất quan trọng bởi họ đã trải qua rất nhiều dằn vặt, dồn nén trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh - tham gia chống dịch tại Khoa hồi sức Covid-19 Bệnh viện Thành phố Thủ Đức chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến cho ngành y tế liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19.

---

Sau khi dịch bùng phát - chúng tôi mặc dù đã chuẩn bị kỹ hơn 1,5 năm với tất cả các liệu pháp điều trị, các trang thiết bị thay đổi sao cho khoa chuyển sang từ trạng thái bình thường sang trạng thái Covid-19 - nhưng vẫn choáng ngợp vì tỷ lệ tử vong lớn quá.

Tất nhiên sau đó cùng với sự động viên của Ban giám đốc bệnh viện, chúng tôi cũng đã sốc lại tinh thần và cùng chiến đấu.

covid-19
Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân mắc Covid-19 (Ảnh: NLĐO)

Trong hơn 2 tuần chúng tôi đã nhận diện ra những đặc điểm riêng của Covid-19 và triển khai điều trị phù hợp cho các trường hợp này. Trong toàn bộ đợt dịch này tôi rút ra một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, đó là vai trò của y tế cơ sở. Vai trò của y tế cơ sở thể hiện rất rõ trong hoạt động chống dịch. Hơn một năm rưỡi trước - khi chúng ta tiến hành khoanh vùng dập dịch, chính y tế cơ sở đã làm được điều này và y tế cơ sở đã làm rất tốt.

Sau này khi chúng tôi ở bệnh viện tầng 3 thở máy và ồ ạt bệnh nhân tử vong thì tôi nhận ra rằng chúng ta phải ngăn chặn tình trạng bệnh nhân đi đến thở máy, cho nên chúng tôi quyết định đi đến tuyến cơ sở để có thể điều trị sớm, điều trị quyết liệt từ đầu để giảm tình trạng trở nặng và chuyển lên bệnh viện. Do đó, y tế cơ sở đóng vai trò thiết yếu trong đợt dịch vừa rồi trong cả 2 lĩnh vực là phát bệnh và điều trị.

Thứ hai, sau này khi chúng ta không thể cách ly được nữa thi việc đưa các đơn vị như trạm y tế lưu động vào thẳng các khu dịch đậm đặc phát huy hiệu quả rất cao. Đây là một kinh nghiệm rất lớn và theo tôi nghĩ là cần phải phổ biến và tiến hành áp dụng, nghiên cứu áp dụng cho các tỉnh chưa phát dịch hoặc có tỷ lệ phủ vắc xin chưa cao.

Tuy nhiên sau dịch thì chúng ta phải chuyển sang 1 cơ chế nhỏ gọn để có thể duy trì được và có lẽ chúng ta cần hình thành một chuyên ngành Covid học với các khoa Covid học nằm trong các bệnh viện. Có như thế chúng ta sẽ nhanh nhạy hơn và giảm chi phí cho các vấn đề cần điều trị. 

Thứ ba, đó là hệ thông oxy. Ở đây kinh nghiệm cho thấy, tất cả sử dụng hệ thống oxy bình đều không hiệu quả, chúng ta phải mất rất nhiều sức để thay bình, cho nên chuyển sang oxy hóa lỏng.

Rất nhiều địa phương hiện tại vẫn chưa có dịch hoặc dịch chưa mạnh, nếu như chúng ta không chuyển sớm mà dịch xảy ra chúng ta không tiêm bao phủ kịp vắc xin cho địa phương đó thì thảm cảnh xảy ra như tình trạng sập hệ thống oxy, oxy không cung cấp đủ cho hàng loạt bệnh nhân.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều, rất thương tâm tình trạng trong vòng vài tiếng có thể mất số lượng lớn bệnh nhân.

Xem thêm: Ra mắt đội hình tình nguyện chương trình “Oxy yêu thương”

Thứ tư, tôi nghĩ rằng cần có sự chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. Tôi nói thật, đây là lần đầu tiên các nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân chứng kiến tử vong nhiều như vậy, thậm chí họ phải ra những quyết định không phù hợp trong điều kiện chăm sóc y tế thông thường.

Với mục tiêu là cứu được nhiều nhất bệnh nhân, cho nên họ đã đưa ra những quyết định không phù hợp - giá mà trong điều kiện bình thường thì họ có thể làm được điều đó cho bệnh nhân.

Cho nên, rất nhiều bác sĩ đã trải qua sự dằn vặt khi họ không được làm được gì đó cho người bệnh. Tất cả những tác động này đã dồn nén rất nhiều vào các nhân viên y tế và nó đã chạm vào mức chịu đứng cuối cùng của họ.

Vai trò chăm sóc sức khỏe thâm thần cho nhân viên y tế trong dịch và sau dịch rất quan trọng. Xin các vị lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ngành chú ý phát triển bộ môn tâm thần học của chúng ta, nó cũng không được phát triển mạnh lắm.

Thứ năm là vắc xin. Thời điểm dịch bùng phát tại TPHCM và các tỉnh miền Nam - chúng ta có rất ít vắc xin. Lúc đó khi điều trị chúng tôi cảm giác thất vọng, vô vọng vì chúng ta không có vắc xin.

Vắc xin chính là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta chiến thắng bệnh dịch. Với sự nỗ lực tuyệt vời của chính phủ, chúng ta đã đưa 1 lượng lớn vắc xin về Việt Nam và đã tiêm phủ.

Chúng tôi đã chứng kiến ngay khi vắc xin tiêm xong ở Bình Dương thì tất cả các khoa cấp cứu tại các bệnh viện huyện, khu cách ly, bệnh viện tầng 3 của chúng ta gần như trống giường, các khoa nội, hồi sức bên trong thì còn nhưng các khoa cấp cứu ngay sau khi tiêm 2 tuần cũng trống luôn.

Điều đó cho thấy, vai trò xuất sắc của vắc xin và như vậy chúng ta cần phải tiêm vắc xin. Nếu trong trường hợp chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn cung vắc xin thì xin chúng ta cần tập trung tiêm cho nhóm lớn tuổi, phủ hết, phủ rộng nhóm lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên, nhóm chiếm tỷ lệ tử vong trên 90%. Nếu chúng ta làm được chúng ta sẽ giảm áp cho hệ thống y tế.

Thứ sáu là các vấn đề về chính sách bảo hiểm y tế. Hiện tại, bảo hiểm y tế của chúng ta đang áp rất nhiều quy định chặt chẽ. Mặc dù Bộ Y tế đã hướng dẫn, quy định về điều trị, nhưng nếu bệnh viện, bác sĩ áp dụng sai quy trình thì sẽ bị xuất toán - cho nên các bác sĩ rất sợ làm điều này, dẫn đến trong đợt dịch vừa qua, các bác sĩ không điều chỉnh thuốc theo từng trường hợp người bệnh mà cứ ôm nguyên khung - rất khó khăn trong vấn đề điều trị cho bệnh nhân.

Thậm chí có những bệnh nhân cùng điều trị Covid-19, điều trị ở khu cách ly, điều trị ở bệnh viện tầng 2 sau đó di chuyển lên tầng 3 thì xét nghiệm dương tính, lúc này xét nghiệm âm tính không được tính Covid-19, không được chuyển viện.

Điều này khiến chúng tôi rất lúng túng vì đây không phải điều trị theo Covid-19 nữa. Thành ra tôi nghĩ nếu áp cứng, áp dụng máy móc của bảo hiểm y tế làm cho lựa chọn điều trị của bác sĩ bị ít đi.

Xem thêm: TPHCM: Hệ thống điều trị Covid-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” có thể tiếp nhận hàng chục ngàn bệnh nhân

Tôi mong là làm sao đó các lãnh đạo ngành giúp chúng tôi là các bác sĩ có thể được điều trị thực sự và không phải lo đến vấn đề "sức ép" do bảo hiểm gây ra.

TPHCM đang từng bước điều chỉnh và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình bình thường mới vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh, cần có những giải pháp cụ thể, sáng tạo.

Với mong muốn đồng hành cùng TPHCM, chuyên mục Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển sẽ chuyển tải đến quý thính giả, độc giả ý kiến đóng góp từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia, cán bộ quản lý cấp cơ sở và cả người dân xung quanh những giải pháp thích ứng với tình hình mới, khôi phục kinh tế và phát triển TPHCM.

Để tham gia diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh - Thích ứng và phát triển”, người dân, chuyên gia có thể gửi các ý kiến, giải pháp đóng góp cùng Thành phố để thích ứng với tình hình bình thường mới, qua số điện thoại 028 3829 1357 – 0948 717 571 hoặc email: donggopykien.voh@gmail.com.