Chờ...

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu Covid-19

(VOH) - Cùng với sức khỏe thể chất, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong và sau dịch Covid-19 rất quan trọng, giúp mỗi người lấy lại trạng thái cân bằng để thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Làm thế nào để chúng ta có thể thích ứng? dưới góc độ tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Chính đã phân tích và gợi ý những cách kết nối quan hệ xã hội chất lượng.

 

"Thật ra kết nối thật sự chất lượng không chỉ là vấn đề cần quan tâm trong mỗi thời kỳ này, việc kết nối với người khác chất lượng là vấn đề đặt ra trong mọi thời kỳ. Một người có sức khỏe tinh thần tốt, đồng nghĩa với việc họ thường xuyên tạo ra những kết nối tích cực. Nhưng trong thời kỳ này thì vấn đề kết nối cần phải được quan tâm nhiều hơn. Khi giãn cách xã hội, chúng ta thường nói chuyện giao tiếp với người khác, thầy cô giáo, đồng nghiệp của mình bằng phương tiện online, bằng thiết bị công nghệ. Chúng ta cần học cách giãn cách nhưng không xa cách. Tự mỗi người đều đặt ra câu hỏi cho mình: làm thế nào để mặt tâm lý giữa mình với người khác không có sự xa cách, đó là học cách lắng nghe tích cực người khác để biết họ đang quan tâm đến điều gì, họ đang cần điều gì.

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu Covid 1
Ảnh minh họa

Có rất nhiều cách để thiết lập kết nối xã hội với người khác, nhưng trong tâm lý học, chúng tôi hay dùng “5 ngôn ngữ của yêu thương” để duy trì và thiết lập mối quan hệ với người khác.

Đầu tiên, chúng ta hãy dành thời gian cho người mình quan tâm. Dù chúng ta nói gì nhiều, như “ba mẹ yêu thương con lắm, ba mẹ muốn tốt đẹp cho con…” nhưng lại không dành thời gian để chơi với con, nói chuyện với con chẳng hạn, thì điều chúng ta nói trở thành vô nghĩa.

Thứ hai, trong việc dành thời gian trong mối quan hệ đó, ai cũng muốn được coi trọng, được ghi nhận, cho nên chúng ta hãy dành thêm lời khen, dành sự ghi nhận vào giá trị con người họ, họ có ý nghĩa gì với cuộc sống của chúng ta. Người khác sẽ cảm thấy ấm lòng và có sự kết nối.

Thứ ba, chúng ta cố gắng trao cho họ những món quà trong khả năng của mình. Quà ở đây có thể mang tính vật chất, hoặc câu nói, hoặc việc làm hoặc điều gì đó về yếu tố tinh thần.

Thứ tư, là sự giúp đỡ, nhất là khi họ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, có câu chuyện cần chia sẻ. Sự giúp đỡ của mình bằng cách lắng nghe, bằng hành động giúp đỡ. Như vậy, sẽ tạo được sự gắn kết giữa người này với người khác.

Cuối cùng, là sự tiếp xúc gần gũi về mặt cơ thể - chỉ dành đối với những người thân thiết. Chúng ta cũng có thể chú ý ngôn ngữ cơ thể của người khác cũng như ngôn ngữ của bản thân trong quá trình giao tiếp, để ý rằng chúng ta đang phát đi tín hiệu tích cực hay ngược lại, thể hiện từ nét mặt, biểu cảm, động tác….để chúng ta chia sẻ với họ. Trên đây là những cách để chúng ta có sự kết nối với người khác."

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Chính có kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực giảng dạy và tham vấn tâm lý cho các cá nhân, đồng thời là chuyên gia cho các dự án về tâm lý của các tổ chức phi chính phủ. Các lĩnh vực can thiệp của Tiến sĩ Nguyễn Thị Chính bao gồm: Tâm lý học đường, Giáo dục giới tính, tham vấn - trị liệu các rối loạn tâm lý, tập huấn các cách chăm sóc sức khỏe tâm thần: