Chờ...

Diễn đàn TPHCM thích ứng và phát triển: “Y tế cơ sở cần được quan tâm đúng mức hơn”

(VOH) - Trạm y tế đóng vai trò như "người gác cổng" là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh.

Thực tế đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã chứng minh cho vai trò quan trọng của y tế cơ sở, cụ thể là các trạm y tế. Tại TPHCM trong nhiều năm qua cũng đã quan tâm đầu tư cho tuyến y tế cơ sở.

Tuy nhiên với đặc thù dân số đông có nhiều phường, xã lên đến hơn 100 ngàn dân (tương đương 1 huyện của nhiều tỉnh thành) nên hoạt động của các trạm y tế chưa phát huy được năng lực thực sự, còn nhiều bất cập.

Diễn đàn TPHCM thích ứng và phát triển: “Y tế cơ sở cần được quan tâm đúng mức hơn” 1
Ảnh minh họa.

Vừa qua khi có sự tăng cường, chi viện các lực lượng để thành lập thêm các trạm y tế lưu động tại các phường xã thì công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM đã phát huy hiệu quả tích cực.

Thực tế này cho thấy rất cần có sự tổ chức lại mô hình y tế cơ sở để phù hợp với đặc điểm của một siêu đô thị như TPHCM để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn.

Mời quý vị cùng nghe những đề xuất của PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Qua dịch Covid-19 thì đây là cơ hội để phát triển những chuyên ngành còn thiếu. Đó là phục hồi chức năng, cấp cứu ngoại viện, dinh dưỡng, tiết chế.

Về lâu dài chúng ta hoàn toàn thấy được lợi ích của y tế cơ sở. Mô hình tháp 3 tầng, đặc biệt ở tầng 1 qua đợt Covid-19 vừa qua là một minh chứng thêm về thực tiễn cần phải tăng cường hơn hệ thống y tế cơ sở theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 20/2017.

Thế thì cần phải có những chính sách liên quan đến phát triển về nguồn lực gồm nhân lực, vật lực và tài lực.

Nhân lực ở đây phải có những bác sĩ giỏi được đào tạo theo chuẩn quốc gia làm việc tại y tế cơ sở. Phải có chính sách đào tạo chuẩn và đưa những bác sĩ giỏi để tất cả nơi nào đều đạt được chăm sóc như nhau, tránh được tình trạng quá tải lên trên. 

Về vật lực thì cần phải có đầu tư thích đáng cho y tế cơ sở. Nhà nước đã có đầu tư nhưng đầu tư còn dàn trải theo hệ thống hành chính, chưa phải đầu thư theo yêu cầu thực tế của từng địa phương. Nhu cầu phải là trạm y tế gần người dân nhất.

Về những chính sách khác, cần tăng cường các quỹ tiền cho y tế cơ sở. Ở các nước khác, tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ gì ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đều phải nộp một phần ngoài thuế để phát triển y tế cơ sở, bù đắp phát triển y tế cơ sở chăm sóc cho người dân.

Đề nghị Bộ Y tế phải có 1 vụ hoặc cục y tế cơ sở để giải quyết các vấn đề y tế cơ sở vì nó liên quan đến nhiều mặt trận; Phải giao trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện về cho chính quyền địa phương bởi vì mặt trận về điều trị và dự phòng phải song hành với nhau và do địa phương quản lý.

Mình chia theo mô hình hành chính thì vô tình cản trở cho việc chăm sóc bệnh nhân. Do vậy, địa phương phải là người quản lý ở cấp độ quận huyện với sự trợ giúp của phòng y tế. Các bệnh viện thành phố thì Sở Y tế quản lý theo hướng nắm chuyên môn tham mưu cho ủy ban những chính sách, hoạt động chuyên môn của ngành.

Cuối cùng để phát huy được y tế cơ sở, trạm y tế thì phải phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình nằm trong hệ thống y tế. Nếu như không có tầng một thì tầng 2 tầng 3 sẽ sụp đổ. 

Trên cơ sở nghiên cứu về y tế cơ sở này ở các nước, như ở Cuba họ rất thành công bởi vì họ có mạng lưới bác sĩ gia đình và chính Chủ tịch Fidel Castro là người "chủ xị" đề án bác sĩ gia đình và làm quyết liệt trong 40 năm. Bây giờ nhờ có hệ thống các bác sĩ gia đình, họ phát triển rất là tốt, giải quyết vấn đề Covid-19 và theo dõi sức khỏe liên tục cho người dân.