Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 764.000 tỷ đồng, chiếm 64,82% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Như vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Đây là kết quả cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, sự lạc quan tiêu dùng, mức sống của người dân được nâng lên, đầu tư vào khu vực bán lẻ gia tăng tạo sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối trong và ngoài nước, hạ tầng thương mại được củng cố và phát triển theo quy hoạch.
Đến nay, TPHCM phát triển được 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trong nước chiếm ưu thế số lượng điểm bán đạt lần lượt là 155/206 siêu thị, 28/49 trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ trọng là 76%.
Người tiêu dùng đến mua sắm tại siêu thị Co.op mart.
Hầu hết các đơn vị chủ quản hệ thống phân phối có quy mô lớn hàng đầu của thành phố đều do các doanh nghiệp trong nước trực tiếp đầu tư, phát triển, quản lý, khai thác, vận hành. Đây là tín hiệu tích cực, chứng tỏ các đơn vị trong nước đã trải qua thời kỳ tích lũy kinh nghiệm quản lý, đang đẩy nhanh quá trình tích tụ, bằng hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết, mua bán, sáp nhập để nâng cao năng lực đủ sức cạnh tranh trực tiếp với đơn vị nước ngoài trong thời gian tới.