Sáng nay 20/5, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6), 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9), Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tổ chức chương trình đồng hành "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” năm 2022.
Tham dự chương trình có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó bí thư Thành ủy - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư thành ủy TPHCM, ông Pring Sok - Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM và bà Vongphan Phomphiphack - Phó Lãnh sự Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TPHCM.
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ truyền thống, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia; tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các cán bộ, hội viên phụ nữ TPHCM với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM; đặc biệt là dịp để nữ sinh viên Lào - Campuchia giao lưu, tìm hiểu về Áo dài Việt Nam, góp phần tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho biết, đến nay đã có 51 em sinh viên Lào – Campuchia được các gia đình Việt tại 17 quận huyện, TP. Thủ Đức nhận hỗ trợ và nuôi dưỡng - cùng sinh sống như người thân trong gia đình.
Với sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của các thành viên trong gia đình Việt, các sinh viên Lào – Campuchia được trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của truyền thống gia đình Việt Nam, được học tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày với gia đình. Qua đó giúp các em yên tâm học tập với tinh thần lạc quan, tích cực và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Bà Đỗ Liên Ngọc Lý (ngụ Phường 2, Quận 6) - từng làm mẹ nuôi của 8 sinh viên Lào và Campuchia. Năm nay bà tiếp tục nhận nuôi 2 cô sinh viên của nước Lào. Bà cho biết, trong gia đình mọi người cố gắng nói tiếng Việt và giải thích những từ ngữ cho các bạn hiểu nhiều hơn về văn hóa, phong tục và con người Việt Nam, đồng thời tạo cho các bạn có cảm giác như đang ở trong chính gia đình của mình.
Bà Lý chia sẻ: “Mình có 2 đứa con gái đang trong độ tuổi sinh viên và mình nghĩ khi con mình đi xa thì mẹ sẽ sợ đủ thứ hết. Khi các bạn qua Việt Nam mình muốn các bạn gọi mình là ba mẹ giống như con mình. Mình giúp các bạn tránh được những thứ không hay thì tốt hơn. Mình làm việc thiện như vậy thì khi con mình ra ngoài sẽ có người khác giúp lại”.
Lun Leang Chheng hiện là sinh viên năm 3 trường Đại học Tôn Đức Thắng, rất vui vì được đi trải nghiệm cùng mẹ nuôi và các cô chú tại Bảo tàng Áo dài, được thưởng thức các món ăn Việt Nam, giao lưu văn hóa và đặc biệt là được tặng những bộ áo dài rất đẹp.
Nói đến mẹ nuôi của mình Leang Chheng cho biết: “Mẹ Uyên luôn căm sóc con như con ruột, quan tâm hỏi thăm, có khó khăn gì thì mẹ hỗ trợ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, con cảm thấy rất ấm áp khi có một người mẹ ở bên cạnh khi xa gia đình, con thấy mình rất may mắn”.
Nhằm giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam qua bộ trang phục truyền thống là chiếc áo dài, Bảo tàng Áo dài còn tổ chức trình diễn áo dài Việt Nam từ cổ điển cho đến hiện đại.
Nhà thiết kế Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết: “Bộ sưu tập có Tên dấu ấn Sài Gòn, nhằm đưa cái đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam giao lưu với các bạn Lào và Campuchia để các bạn hiểu rõ hơn về chiếc áo dài của Việt Nam. Cuộc sống hiện nay người ta hướng đến giá trị về tinh thần, về cội nguồn nên những chiếc áo dài mang đậm nét dân tộc rất được ưa chuộng”.
Dịp này, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã trao tặng những bộ áo dài đẹp nhất của mình cho các chị cán bộ Hội. Đây là những bộ áo dài rất quý giá, đã theo các vị lãnh đạo trong thời gian còn làm việc và cống hiến cho đất nước.