Ngày 27/4, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình giao lưu “Những người phụ nữ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” nhân kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 36 năm thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Nhằm ôn lại khí thế tiến công mãnh liệt, thần tốc của lực lượng vũ trang cách mạng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ Nguyễn Thị Thắm cho biết, phụ nữ đã phát huy sở trường của mình làm công tác binh vận rất có hiệu quả. Nổi bật nhất vẫn là việc các dì, các chị đã tiếp tục phát huy và kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công "chính trị - vũ trang – binh vận" để chiếm đồn bót địch ở cơ sở, tiến lên khởi nghĩa chiếm các tiểu khu, chi khu, công sở, buộc địch phải đầu hàng. Và một trong số những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh phải kể đến là bà Lại Thị Kim Túy, Giao liên trực tiếp của Ban chỉ huy Lữ đoàn 316 – Bộ Tham mưu Miền.
Tại buổi giao lưu, bà cho biết, với tinh thần hạ quyết tâm chiến thắng, nhiệm vụ của bà không chỉ chấp nhận hy sinh, mà còn đòi hỏi sự nhạy cảm, linh hoạt, sáng tạo trong công tác. Thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, bà được phân công dẫn đường cho lực lượng 316 biệt động đánh vào cánh Tây Nam Sài Gòn (bao gồm: Củ Chi, Hóc Môn và Bình Tân...) Khi hành quân đến ngã tư Tân Quý thì bà bị trúng đạn và bị thương ở chân, đồng đội muốn đưa bà về lại phía sau để chữa trị vết thương, nhưng bà không đồng ý, bà đã nhờ bác sĩ quân y trong đoàn băng bó vết thương tạm thời và vẫn quyết định tiếp tục cùng lực lượng tiến quân về Sài Gòn.
Nhắc đến vai trò của những người phụ nữ trong việc góp phần làm nên chiến thắng, bà khẳng định: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng, tham gia vào các mũi tấn công với nhiều nhiệm vụ khác nhau, như là làm giao liên, tiền trạm để đưa các cán bộ ra vào để điều nghiên mặt trận. Đồng thời đưa đón lực lượng bộ đội từ ngoài vào Thành phố một cách suôn sẻ, nhanh chóng kịp giờ tấn công dịch ở trong thành phố này."
Tại chương trình còn có bà Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) tình báo đơn vị J22 (Bộ Tham mưu miền), là nữ biệt động duy nhất trong đội 5 đánh vào Dinh Độc lập Tết Mậu Thân 1968. Trong trận đánh ấy, đồng đội của bà đã hy sinh một nửa, số còn lại bị thương. Vũ khí còn rất ít nhưng họ vẫn quyết chiến đến viên đạn cuối cùng làm quân thù phải khiếp sợ. Nhưng ngay sau đó bà Chính Nghĩa bị bắt và chịu mọi cực hình tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù. Bà đã lần lượt qua các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, bà được thả về. Và trong chiến dịch Hồ Chí Minh, một lần nữa bà Chính Nghĩa được lệnh đánh vào dinh Độc Lập. Khi đó nữ biệt động này đã chuyển đơn vị qua A34 Cục tình báo Miền.
Khi hành quân đến đường Quang Trung, mọi người vỡ oà vì sung sướng khi hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã đầu hàng. “Tôi tham gia cánh quân tiến về TP ở Hóc Môn. Đến 11g30 phút khi Dương Văn Minh đầu hàng thì tôi đã về tới Gò Vấp. Và trên đường có một hình tượng mà tôi không quên đó là các trại tập trung quân dịch họ cởi hết đồ lính bỏ đi và giơ tay đầu hàng và nói: 'Chúng tôi là quân dịch, chúng tôi là quân dịch'. Khi đoàn chúng tôi đi qua chỉ khoát tay nói các anh cứ về nhà hết đi, không có gì hết. Xung quanh hai bên đường cờ xí chưa có nhiều nhưng họ vui mừng không thể tả hết”, bà Nghĩa kể.
Còn ông Nguyễn Văn Nhu, Nguyên Sỹ quan tác chiến Trung đoàn 66 kể về khoảnh khắc lịch sử hào hùng ấy, đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đã chỉ huy 2 xe hộ tống của Đại đội 2 (Tiểu đoàn 7) và Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66 đi sau bảo vệ ông Dương Văn Minh đến Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
“Lúc bấy giờ chiến tranh bom đạn mà không có chỉ huy trực tiếp của các đơn vị trên cho nên rất khó khăn cho, nên chúng tôi phải quyết định là phải nhanh chóng đưa ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng, chấm dứt chiến tranh. Để hai bên không còn đổ máu vô ích và nhân dân vô tội phải gánh chịu. Còn phút nào mà ông Dương Văn Minh mà chưa tuyên bố đầu hàng và các thế lực thù địch chưa biết thì máu vẫn đổ, cho nên chúng tôi phải quyết tâm đưa đi” - ông Nguyễn Văn Nhu nhớ lại.