Giới trẻ phải thấy xấu hổ khi thấy thua kém các nước trong khu vực

(VOH) - Đây là lời khuyên của GS. Trần Đông A tới các bạn trẻ trong chương trình Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu chủ đề “Khát vọng sinh viên thành phố Bác" diễn ra vào sáng 23/3.

Chương trình Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ sinh viên tiêu biểu có sự tham gia của ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy, bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM và bà Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành Đoàn cùng gần 100 sinh viên giỏi, xuất sắc từ các trường đại học, học viện tại TPHCM.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc gặp gỡ sinh viên tiêu biểu TPHCM - Ảnh: TTO

Đọc thêm: Thủ tướng: Phải có chính sách đào tạo nhân lực trẻ thích ứng với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Chương trình đã mời đến những trí thức mở đường cho y tế, cho kinh tế TPHCM chia sẻ về những dấn thân cống hiến của một thế hệ để truyền cảm hứng đến trí thức trẻ.

GS. Trần Đông A chia sẻ với các sinh viên hai công trình y học mang tính lịch sử với y học trong nước và quốc tế. Đầu tiên là ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức năm 1988 với nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ trong y văn thế giới. Thứ hai là các ca ghép gan từ người sống cho các bé 1-2 tuổi - là kỹ thuật ghép tạng khó nhất được quốc tế ghi nhận.

Giáo sư Đông A nhắc nhở các bạn trẻ hai điều: bao thế hệ hy sinh, cống hiến đất nước mới tạo dựng được uy tín quốc tế như ngày hôm nay; chúng ta phải thấy xấu hổ khi thấy thua kém các nước trong khu vực.

Ông Phan Chánh Dưỡng - thành viên nhóm tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã đóng góp vào xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của TPHCM cũng khuyên các bạn trẻ rằng, nếu mình có tâm, không tham ô, mình không vì mình, mình báo cáo cho lãnh đạo biết việc mình đang làm. Vậy là đủ rồi. Mình cứ mạnh dạn làm, không sợ gì cả.

Trước các ý kiến của các bậc trí thức thế hệ trước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, bản thân ông cũng tiếp thu được nhiều giá trị và cho rằng “những chia sẻ của hai thầy là hành trang để các bạn trẻ đi tiếp, có nhiều ý hay, nhiều bài học để mỗi người có thể áp dụng”.

Theo ông Mãi: “Các thầy dạy phải biết xấu hổ, nghĩa là phải có lòng tự tôn dân tộc, phải làm gì có ích cho dân cho nước. Là người được giao nhiệm vụ lãnh đạo Thành phố, chúng tôi hứa tiếp nối tấm gương của các thầy để hành động như vậy”.

Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị thành phố nên khởi động chương trình Sáng kiến sinh viên, huy động trí tuệ, sáng tạo của người trẻ, tạo không gian, khuôn khổ để ý tưởng của người trẻ được phát huy; có sự kết nối với các thế hệ để cùng phát triển.

“Để sáng kiến, sáng tạo của các bạn trẻ có kết quả thì sự lắng nghe, đồng hành của lãnh đạo thành phố rất quan trọng. Chúng ta hãy cùng với nhau trăn trở trước những khó khăn của thành phố, cùng với nhau làm việc để có kết quả”, ông Mãi nói và đề xuất xây dựng đề án Tín dụng sinh viên để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận để vay một khoản chi phí học tập.