Gỡ nút thắt cho bài toán chống ngập của thành phố

(VOH) - UBND TPHCM ấn định thời gian tháng 10/2020 sẽ khánh thành “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”.

Nhân chuyến đi khảo sát thực tế dự án của đoàn công tác lãnh đạo UBND TPHCM, Phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) phỏng vấn ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh

*VOH: Thưa ông, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh được triển trong một thời gian khá lâu và đã nhiều lần trễ hẹn chưa đưa vào vận hành, nguyên nhân của vấn đề là do đâu?  

Ông Võ Văn Hoan: Thực ra, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ là một dự án lớn và đây là một dự án chống ngập quy mô lớn duy nhất ở Việt Nam, đây là Thành phố học tập kinh nghiệm của Hà Lan về vấn đề chống ngập. Trung ương cũng đã có cân nhắc, lựa chọn giải quyết bài toán vốn cũng như cơ chế sử dụng vốn để đầu tư một dự án lớn như thế này. Cách đây 5 năm, Thủ tướng chính phủ đã có sự đồng thuận cao và hỗ trợ cho thành phố. Nói về cơ chế tài chính thì: mặc dù đây là dự án BT nhưng mà nguồn vốn thì có sự tham gia của ngân sách Trung ương. Nghĩa là, Trung ương cho thành phố vay với lãi suất thấp thông qua kênh ngân hàng,  ngân hàng nhà nước cấp vốn lại cho ngân hàng thương mại để được vay, như vậy thành phố hưởng một phần lãi suất của Trung ương và chi phí lãi vay giảm rất nhiều. Từ chi phí lãi vay, chi phí đầu tư kết thành chi phí dự án, tổng mức chi phí dự án như vậy cũng đã giảm, như vậy là đã có nguồn vốn xã hội trong đó.

Về quá trình triển khai thực hiện thì đây là một cơ chế rất đặc biệt, mình, nhà đầu tư với ngân hàng, nhưng có sự tham gia của ngân hàng nhà nước, cho nên có sự giám sát rất chặc chẽ. Và vì nhiều lý do khác nhau cho nên có một giai đoạn mình bị chậm tiến độ thực hiện khoảng một năm, và chậm thời gian gia hạn tái cấp vốn cho dự án. Nhưng suốt một năm vừa rồi Thành phố được sự hỗ trợ của các Bộ thì Trung ương cũng đã giúp cho Thành phố tái khởi động lại, gia hạn thêm thời gian tái cấp vốn của dự án.

chống ngập, TPHCM

*VOH: Thời gian công trình chính thức đưa vào vận hành là khi nào và người dân thành phố có thể kỳ vọng những điều gì vào công trình này, thưa ông?

Ông Võ Văn Hoan: Về phía thành phố và người dân thành phố xem  đây là dự án vừa giải quyết chống ngập do triều, nhưng đồng thời cũng hỗ trỡ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, cũng như là một tổ hợp giải quyết các nguyên nhân gây ra ngập lụt của thành phố như là: triều dâng, lũ lụt, nước mưa, xả thải… đây là một tổ hợp rất lớn luôn luôn tác động đến thành phố. Nhờ dự án này mà giải quyết tốt hơn vấn đề ngập lụt và bảo vệ môi trường. Nếu dự án chống ngập này được triển khai và đưa vào vận hành thì Thành phố sẽ có một vùng sông nước ổn định. Tức là, khi triều lên cao thì các van ngăn triều sẽ ngăn lại không cho triều vào; nhưng khi mưa lũ lớn thì những van này sẽ tháo nước ra, và sẽ giữ một lượng nước ổn định ở khu vực bên trong. Và nếu chúng ta kết hợp nhiều yếu tố khác nhau vừa đưa nước vào, vừa lấy nước ra để thanh lọc nguồn nước một cách chủ động thì chúng ta sẽ có một nguồn nước sạch, ổn định, tạo nên một thành phố giữa lòng sông.

Thành phố cũng kỳ vọng vào tháng 10/2020, Thành phố sẽ khánh thành một đợt, để cuối tháng 12/2020 sẽ khánh thành thêm một đợt nữa, xem đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa ông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi thành phố kêu gọi xã hội hóa đối với các công trình mang tính xã hội như thế này?

Ông Võ Văn Hoan: Thực ra, khi giải quyết những bài toán mang tính xã hội như: chống ngập, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…thật sự kêu gọi đầu tư tư nhân, xã hội hóa rất khó, tất cả đều phải tìm cơ chế, các nguồn lực, nhưng suy cho cùng nhà nước vẫn phải gánh, nhưng mình tìm cơ chế để tư nhân có thể tham gia, nhà nước thanh toán, đó là cơ chế BT. Có nghĩa là tư nhân vay vốn triển khai thực hiện dự án, mình thanh toán lại không phải bằng ngân sách mà bằng một quỹ đất đai nào đó, để mình hỗ trợ cho doanh nghiệp ở một dự án khác để họ làm. Đó là cách để chúng ta có được những dự án giao thông lớn, dự án chống ngập hay dự án về môi trường. Tinh thần là chúng ta kết hợp nhiều nguồn lực lại với nhau để chúng ta thực hiện.

*VOH: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Người Sài Gòn chật vật đi làm trong cơn mưa sáng đầu tuần: Sáng nay (25/5), TPHCM xuất hiện cơn mưa to, khiến người dân khá chật vật khi lưu thông trên đường.

 

 
Bình luận