Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 5 vào chiều 11/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặc biệt lưu ý đến tình hình phòng chống dịch trên địa bàn thành phố hiện nay.

Với nhiều biện pháp đưa ra, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, Thành phố đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đạt được các kết quả đáng kể. Theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng ước đạt khoảng hơn 366.000 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ; Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9% so với cùng kỳ; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng hơn 26% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao đạt hơn 6 tỷ đô la Mỹ. Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thêm: “Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 366.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Có gần 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng hơn 95% so với cùng kỳ”.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 15 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Cao su; Gỗ và sản phẩm gỗ; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 4 tháng năm nay tăng gần 12% so với cùng kỳ, cao hơn 2 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành, trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử ước tăng gần 30%. Đồng thời, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mang đến nhiều cơ hội cho ngành thực phẩm. Các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; Ngành cơ khí ước tăng 17,5%. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện các nội dung chỉ đạo của thường trực ủy ban trong việc phòng chống dịch và giữ an toàn trong khối sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa. “Chúng tôi sẽ tăng cường các nội dung, cùng với các hiệp hội lắng nghe nhu cầu của các doanh nghiệp và tham gia động viên, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt trong quý 1, chúng tôi tham gia giải quyết việc kéo dài thời hạn thực hiện hỗ trợ kích cầu đầu tư”, ông Vũ nói.
Về thu ngân sách, bà Phạm Thị Hồng Hà – Giám đốc Sở Tài chính cho biết tổng thu ngân sách đạt 29.576 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nội địa, đạt hơn 20 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Về tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 140.300 tỷ đồng, đạt hơn 38% dự toán năm. Cụ thể, thu nội địa đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 39% dự toán và tăng hơn 14% so với cùng kỳ”.
Về du lịch, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không có khách quốc tế đến TP. Tuy nhiên, lượng khách nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu đạt gần 30.000 tỉ đồng, tăng 17%.
Về phương hướng nhiệm vụ tháng 5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, các sở, ngành quận huyện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.
Tại cuộc họp, về việc phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch tại khu vực sông Sài Gòn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện tại hơn 100 công trình, dự án đang vi phạm hành lang sông. Các sở, ngành cần rà soát các công trình, dự án sai phạm để có phương án xử lý. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý thêm về công tác kiểm soát dịch ở khu vực đường sông và tuân thủ chặt chẽ công tác phòng dịch ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Mặt khác theo ông, Thành phố có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân từ các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có thân nhân đi kèm theo. Chỉ riêng bệnh viện Chợ Rẫy một ngày có tới hơn 10.000 người dịch chuyển vào đây, do đó, công tác kiểm soát và phòng chống dịch của thành phố cũng rất khó khăn và gian nan. “Kích hoạt toàn bộ các bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố và tổ chức hậu kiểm các bộ chỉ số. Cuối tuần kiểm tra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tăng cường hình thức giao hàng tại nhà. Không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, đảm bảo an toàn thực phẩm…”, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Ông Phong cũng yêu cầu xử lý thật nghiêm các trường hợp đua xe trái phép; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là ở các chung cư cũ, khu dân. Đối với các cơ sở sản xuất thủ công, tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy mới cho tiếp tục hoạt động.