Liên kết vùng: "Mạnh ai nấy làm"

(VOH) - Sáng 12/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM tổ chức hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện NQ 53 ngày 29/8/2005 và Kết luận số 2 ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi thẳng thắn cho biết, vấn đề liên kết vùng, thời gian qua, việc này chúng ta làm chưa được nhiều, thậm chí không được gì, mạnh ai nấy làm.

Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi nhấn mạnh, từ nghị quyết 53 này, như là định hướng để Thành phố hoàn thiện quy hoạch. Song song đó, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lập quy hoạch. Ông Mãi cho rằng, các địa phương trong vùng cần có sự thống nhất với vai trò sứ mạng của mình. Mặt khác, trên cơ sở lợi thế của các địa phương, cần phân công và phân vai trách nhiệm. Chẳng hạn nói đến phát triển công nghiệp thì TPHCM sẽ không phát triển những ngành công nghiệp như thế này mà nhường cho các địa phương khác trong vùng, thậm chí các địa phương nơi khác có liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà có lợi thế về ngành, nghề đó.

Liên kết vùng:
 Quang cảnh hội nghị.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, vai trò vị trí của TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung là rất quan trọng, đóng góp vào ngân sách, GDP, xuất khẩu, tạo việc làm rất lớn cho người lao động. Mặc dù nghị quyết 53 và kết luận số 27 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm đối với việc phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng này.

“Hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới đối với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, làm sao chúng ta có thể tận dụng được các cơ hội, phát triển nhanh, bền vững hơn nữa để trở thành đúng vai trò vị trí là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Từ góc độ làm thực tiễn, TPHCM giúp cho phần đánh giá kết quả thực tiễn sâu hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố báo cáo, TPHCM đã thực hiện 7 đề án để phát triển vùng như kết nối cung cầu hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển giao thông. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế của vùng. Tuy nhiên, bà Mai nhìn nhận tăng trưởng kinh tế của vùng chưa đáp ứng được kỳ vọng, đây cũng là nơi thu hút phần lớn nguồn vốn FDI nhưng chủ yếu là gia công, trình độ lao động chưa cao, trình độ quản lý lao động còn hạn chế…

Trước đó, Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cho vùng Đông Nam Bộ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị đẩy nhanh việc lập quy hoạch này để các tỉnh thành có cơ sở lập và triển khai quy hoạch vùng. Mặt khác, cần phân chia cụ thể hợp lý trên nguyên tắc một thành viên một vùng. Thứ hai, tập trung phân cấp mạnh hơn về quản lý thu ngân sách giữa các tỉnh và thành phố để có điều kiện phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển.

Thông tin thêm về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện tại TPHCM có cảng biển với 126 triệu tấn, chiếm khoảng 26% sản lượng hàng hóa qua cảng biển, giấy phép lái xe thì có khoảng 400 ngàn, đạt khoảng 25% cả nước. Sân bay thì khoảng 41 triệu tấn, đạt khoảng 25% của cả nước, phương tiện giao thông khoảng 26% cả nước… áp lực lên hệ thống giao thông rất lớn. Hiện nay, đường Vành đai 2, còn 15km chưa khép kín, Thành phố cũng đã có kế hoạch trên 65km sẽ khép kín trước năm 2030; Vành đai 3 thì đã được quốc hội thông qua để triển khai; Vành đai 4 thì cố gắng triển khai sớm.

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện Trưởng viện nghiên cứu phát triển Thành phố, TPHCM đã xác định tập trung giải quyết 5 khâu đột phá, trong đó, hạ tầng giao thông kết nối vùng, các tuyến đường vành đai, nội thủy, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách mạnh mẽ cải cách hành chính và môi trường đầu tư, tạo nguồn vốn cho phát triển xã hội đặc biệt cơ chế thu hút vốn từ nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, theo ông, muốn TPHCM có sự đột phá thì cần có cơ chế đột phá phù hợp chứ không phải là thí điểm nữa.