Muốn người Việt dùng hàng Việt thì phải chú trọng vào chất lượng

(VOH) - Sáng 17/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phối hợp Sở Công thương tổ chức Tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”.

Sau 10 năm, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nhiều giải pháp tổng thể, cụ thể hóa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh Việt đã gặt hái nhiều thành công, bước đầu đem lại sự thay đổi to lớn trong nhận thức người tiêu dùng, thói quen lựa chọn, mua sắm và tiêu dùng hàng trong nước thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, nhóm hàng nông sản thực phẩm chưa thực sự tạo được niềm tin với người tiêu dùng, chất lượng cũng chưa đồng đều.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng thực phẩm tươi sống của TPHCM là rất lớn và người tiêu dùng cũng yêu cầu với nhóm hàng này ngày càng cao, phải có tiêu chuẩn rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Kênh phân phối hiện đại của TP hiện mới chỉ chiếm gần 20% thị phần nhóm hàng nông sản thực phẩm tươi sống nhưng đang phát triển, tăng thị phần rất nhanh và ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để mua sắm.

Theo PGS. TS Trần Tiến Khai - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thì thực tế, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Cụ thể thời gian tới cần những giải pháp sau đây: Thứ nhất là các DN phân phối phải mở rộng kênh phân phối của mình ra để hấp dẫn người tiêu dùng nhiều hơn. Thứ 2, các DN phân phối phải gắn kết chặt chẽ hơn với hệ thống các DN cung ứng và giữa các hệ thống bán lẻ với nhau, các siêu thị cũng phải thống nhất với nhau về một tiêu chuẩn chung về VietGap, bao bì, đóng gói.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế chưa được khắc phục triệt để nhất là đối với nhóm hàng nông sản, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt đối với các HTX, Tổ hợp tác và các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận hệ thống phân phối, chủ yếu là kênh phân phối hiện đại gặp nhiều khó khăn.

Ông Tống Văn Phong – Giám đốc HTX nông sản sạch Vĩnh Thới (tỉnh  Đồng Tháp) nói: "Cái khó khăn của HTX hiện nay chưa có DN bao tiêu sản phẩm. DN chỉ xuống thu mua theo thời vụ. Bởi vỉ HTX sản xuất ra thì muốn được bao tiêu hết để cho bà con tâm huyết làm theo nông sản sạch và khi đưa vào hệ thống siêu thị có lợi cho bà con nông dân thì họ mới theo. "Mong muốn người tiêu dùng hãy chia sẻ với người nông dân khi giá có nhỉnh hơn một chút nhưng đảm bảo chất lượng", ông Phong nói.

Trao đổi với ông Trần Lâm Hồng – Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, về vấn đề này ông cho biết: Hàng năm Co.op Mart hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bằng cách tổ chức mỗi năm một tháng để tuyên truyền quảng bá cho hàng Việt với nhiều chủ đề khác nhau. Đặc biệt là ưu tiên cho những doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc các chứng chỉ quản lý chất lượng được ưu tiên trưng bày và làm các chương trình khuyến mãi nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện tại, các mặt hàng nông sản thực phẩm đưa ra thị trường vẫn chủ yếu qua các kênh phân phối truyền thống là các chợ. Tuy nhiên kênh phân phối hiện đại cũng liên tục gia tăng về quy mô do sự đầu tư mạnh tay từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để vào được kênh phân phối hiện đại bắt buộc các loại nông sản, thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối, bán lẻ đưa ra.

chắp cánh cho thương hiệu Việt

Đại diên Sở Công Thương TP - ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc ký bản ghi nhớ với các hệ thống phân phối hiện đại và bán lẻ tại TPHCM

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố, cho rằng, muốn người Việt dùng hàng Việt thì phải chú trọng vào chất lượng thay vì chỉ kêu gọi. "Phải chinh phục người tiêu dùng bằng kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng, hệ thống phân phối, bằng dịch vụ là những thứ phải tập trung. Tất nhiên, với những DN nhỏ và vừa của VN  thì không thể nào làm được hết. Mỗi DN tìm cho mình một hướng đi, tìm ra sản phẩm của mình có điểm gì khác biệt về công thức, kiểu dáng, mẫu mã và cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại. Cho nên đòi hỏi công tác nghiên cứu thị trường, đổi mới công nghệ với thời đại của công nghệ số hiện nay thị trường không phải cá lớn nuốt cá bé mà bây giờ con cá nhanh sẽ chiến thắng con cá chậm", ông Hoà phát biểu

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ đạo: "Sắp tới phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu rộng đến các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Từng bước nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đổi mới công nghệ, mẫu mã, chất lượng cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng."

chắp cánh cho thương hiệu Việt

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát biểu

Để đưa Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” sớm đi vào thực tiễn hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa hoạt động sản xuất ngành hàng nông sản và nâng chất hàng hóa kinh doanh trong hệ thống phân phối, tiến tới việc nâng tầm và đưa nông sản Việt vươn xa, xuất khẩu cần sự sự ủng hộ, thống nhất hưởng ứng thực hiện của các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn Thành phố cũng như người dân để cuộc vận động đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả.

Bình luận