Ngày 07/06, tại Khách sạn REX (TPHCM), Tổng Công ty KOTRA Việt Hàn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Truyền thông của TTXVN Khu vực phía Nam và Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức buổi Hội thảo “Trao đổi xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ xe bus điện thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tham gia buổi hội thảo này có đại diện của các Bộ, Ban ngành của Trung ương và các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát Triển Thị Trường Và Doanh Nghiệp Khoa Học Và Công Nghệ Bộ Khoa Học Và Công Nghệ chủ trì hội thảo.
Thông tin từ Hội thảo, các nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy hiện trạng giao thông TP Hồ Chí Minh đang bị ùn tắc nghiêm trọng, gây thiệt hại ước tính 1,5 tỷ USD mỗi năm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng hiện có 3.000 xe bus vận hành trên 152 tuyến, chỉ đủ đáp ứng 9,5% nhu cầu của khách.
Ước tính số lượng xe bus đáp ứng đủ nhu cầu giao thông của người dân lên đến 21.000 xe. Đi cùng với việc ùn tắc giao thông là ô nhiễm môi trường, trong đó 70% nguyên nhân là phát thải carbon từ phương tiện giao thông.
Tại hội thảo, lần đầu tiên Dự án đầu tư Hệ thống giao thông công cộng bằng xe bus điện thông minh - BRT Smart Bus, kết nối IOT của Công ty Công nghệ DATAM được giới thiệu. Đây là dự án xây dựng hệ thống giao thông công cộng thông minh, phù hợp với hạ tầng giao thông hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh để ứng dụng và thực hiện quy ước POST – 2020 để đối ứng với biến đổi khí hậu ngày nay.
Loại xe bus điện DATAM này là loại xe bus điện cỡ trung, có thể chở được tổng cộng 17 người (bao gồm lái xe, một ghế dành riêng cho người tàn tật và 15 chỗ ngồi khác). Xe có chiều rộng là 1,490 mm và cần một làn riêng để vận hành (1,5 mét), chỉ chiếm khoảng 60% chiều rộng đường của làn xe bus thông thường.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 525 triệu USD từ nguồn vốn Quỹ khí hậu Xanh (GCF). Trong đó dự kiến đầu tư 300 triệu USD để sản xuất 20.000 xe bus điện và 225 triệu USD dành để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời thông minh tích hợp camera AI, Wifi miễn phí. Trong giai đoạn đầu chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là khoảng 10 triệu USD.
Các đại biểu Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về xe bus điện thông minh.
Đại diện Tập đoàn DATAM cho biết: “Mục tiêu của dự án đầu tư BRT SMART BUS nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; giúp người dân thành phố và khách du lịch, người nước ngoài đang đầu tư, sinh sống, làm việc việc tại đây được tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; chuyển đổi phương tiện di chuyển cá nhân như xe máy, ô tô sang đi xe bus điện nhanh bằng công nghệ 4.0 giúp kết nối, di chuyển nhanh trong thành phố”.
Tại hội thảo, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; sản xuất xe bus điện giữa Tập đoàn DATAM và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã được tổ chức.