Chờ...

Nhiều giải pháp nâng chất lượng giám sát của Mặt trận tổ quốc và nhân dân

(VOH) - Có cần thiết xây dựng và hướng dẫn quy trình giám sát chuẩn, đề cương giám sát chi bộ, chi ủy tại địa phương?

Có nên kết hợp hội nghị nhân dân với hội nghị đối thoại giữa người dân với chính quyền?

Đây là những vấn đề lớn được đặt ra trong hội nghị chuyên đề do Ủy ban Mặt trận tổ quốc TPHCM tổ chức sáng 20/7, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 13, Đề án 06 của Thành ủy TPHCM về nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp. 

Nhiều giải pháp nâng chất lượng giám sát của Mặt trận tổ quốc và nhân dân 1
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu

Chỉ thị 13 được ban hành cách đây 1 năm nhằm thực hiện đề án 06 của Thường vụ Thành Ủy TP.HCM, tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chỉ mới được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022. Đã có 31 cuộc giám sát chuyên đề được tổ chức đối với các Ban xây dựng Đảng, các Phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, Đảng ủy, chi ủy chi bộ cơ quan chức năng quận, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn; 25 hội nghị nhân dân cấp quận, 814 hội nghị nhân dân cấp phường xã.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Trà – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình cho biết: “Đến thời điểm này, quy trình theo Đề án 06 của hai nội dung đã được chúng tôi thực hiện cơ bản và nội dung giám sát Đảng ủy phường 2 đã được làm theo đúng quy trình. Chúng tôi đã đề nghị Quận ủy có văn bản chỉ đạo đối với Đảng ủy phường 2 và Đảng ủy Phường 2 đã báo cáo xong các nội dung kiến nghị và tiếp thu sau giám sát. Chúng tôi cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban phường sẽ có những giải pháp thực hiện tốt hơn cho chính quyền”.

Theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Bình Thạnh nhấn mạnh, hiện nay chúng ta thấy việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp Ủy và người đứng đầu chính quyền luôn gắn với các hội nghị đối thoại với nhân dân. Tuy nhiên, đôi lúc thì cơ sở bị lúng túng và chồng chéo giữa hội nghị nhân dân và tổ chức đối thoại. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Quận ủy cũng nhận định được các hạn chế và kịp thời quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để các cấp Ủy, Mặt trận và các đoàn thể trong các hội nghị ban chấp hành, cũng như trong các hội nghị giao ban từ đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

“Đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Mặt trận với UBND các cấp. Trong tổ chức các hội nghị UBND và Ủy ban Mặt trận luôn luôn có sự phối hợp tốt để làm sao tổ chức được hội nghị nhân dân, lắng nghe được nhiều ý kiến của nhân dân. Và để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, chúng tôi đã đề ra 4 nội dung để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 13, Đề án 06, làm cho Mặt trận Tổ quốc phát huy được vai trò của nhân dân tham gia giám sát”, bà Triệu Lệ Khánh nhấn mạnh thêm.

Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, để có sự đồng bộ thì cần có quy trình hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, biểu mẫu, đề cương giám sát. Và quan trọng là phải mang tính thời sự của Chỉ thị 13 và Đề án 06 nhằm đáp ứng vấn đề khi  không còn Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường.

“Trong trường hợp không có HĐND thì nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua mặt trận và các tổ chức thành viên của mặt trận, nhờ đó sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Để thực hiện theo Đại hội Đảng XIII vừa rồi, chúng ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, quan trọng là dân kiểm tra rồi dân thụ hưởng. Cho nên các quyền của mình như thế nào thì có thể kết hợp hội nghị nhân dân và hội nghị đối thoại nhân dân trước kỳ họp HĐND và trước kỳ họp Quốc hội để lắng nghe ý kiến của nhân dân”, Luật sư Trương Thị Hòa nói.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu đánh giá, thời gian qua hệ thống Mặt trận của Thành phố đã ghi nhận, xem xét và giải quyết ngay ý kiến đóng góp của nhân dân liên quan đến các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, lòng lề đường, vệ sinh môi trường, cung cách phục vụ của cán bộ, công chức trực tiếp nhận và tham mưu giải quyết hồ sơ của dân…

Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Bích Châu, sau gần 1 năm triển khai thực hiện công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đó, đề nghị, hệ thống Mặt trận Tổ quốc từng cấp cần đánh giá, xem xét những nội dung nào thuộc tồn tại, hạn chế của mình gắn với từng tồn tại, hạn chế đó là các giải pháp, phương pháp cụ thể, rõ ràng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Qua đó, Mặt trận tổ quốc TPHCM sẽ đẩy mạnh 7 giải pháp để tiếp tục thực hiện đề án 06, nâng chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.