Những cách thức phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ em mà phụ huynh không nên bỏ qua

(VOH) - Công an TPHCM vừa đưa ra một số nguyên nhân, giải pháp và cách thức phòng ngừa đuối nước ở trẻ em trên địa bàn.

Hàng năm, có rất nhiều tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra rất thương tâm, cướp đi nhiều sinh mạng, đặc biệt tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi thiếu niên là chiếm tỷ lệ đa số và đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn cho gia đình, xã hội, bạn bè và người thân.

Những cách thức phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ em mà phụ huynh không nên bỏ qua 1
Các chiến sĩ phòng Cảnh sát đường thủy – CATPHCM hướng dẫn các em học sinh cách mặc áo phao chính xác để phóng tránh đuối nước.

Theo Thống kê của Cục Trẻ em, hàng năm trên lãnh thổ Việt Nam xảy ra gần 2.500 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em, số vụ đuối nước ở Việt Nam được cho là cao gấp 10 lần các nước đang phát triển khác.

Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Cục Trẻ em cho biết cả nước có 113 trẻ em tử vong do đuối nước tỉ lệ cao ở nhóm 01 tuổi đến 14 tuổi. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tuy không xảy ra nhiều vụ đuối nước xảy ra so với các tỉnh thành khác của cả nước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các tai nạn đuối nước ở trẻ em đặc biệt là trong dịp hè năm 2022.

Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, nhận biết và phòng, ngừa các tai nạn do đuối nước ở trẻ em trên địa bàn Thành phố, Công an Thành phố đưa ra một số nguyên nhân, giải pháp và cách thức phòng ngừa đuối nước ở trẻ em trên địa bàn Thành phố.

Đuối nước là gì?

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và làm các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hiểu một cách đơn giản, đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Đuối nước là một tai nạn bất ngờ xảy ra không có nguyên nhân  rõ ràng và khó lường trước được, có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi (sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ bơi, bể bơi…) nhất là ở lứa tuổi học trẻ em, học sinh. Vì lứa tuổi này thường hiếu động, thích khám phá, tò mò, chưa có những kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè, khi mà người thân các em không kịp theo sát.

Nguyên nhân xảy ra đuối nước

Nguyên nhân đuối nước ở trẻ em xảy ra thường do bản tính hiếu động, tò mò, khám phá, thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn, lơ là quản lý từ phía gia đình, nhà trường… ngoài ra còn do yếu tố môi trường sống xung quanh có những nguy hiểm luôn rình rập như: ao, hồ, kênh, rạch, bể bơi gia đình không có rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm, các công trình xây dựng đào bới, khai thác… để lại các hố sâu nguy hiểm nhưng không có cảnh báo , không rào chắn hoặc không có bảo vệ; nhất là trong dịp hè các em được nghỉ có xu hướng thích vui chơi, dã ngoại, nghỉ mát cùng bạn bè tại nơi vùng quê hoặc những nơi có nhiều sông, hồ, kênh rạch…

Cách xử lý tình huống khi gặp trường hợp đuối nước

Khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước mà không biết bơi, cần nhanh chóng hô hoán, kêu gọi người đến giúp đỡ, ứng cứu. Giúp đỡ nạn nhân ngay từ khi phát hiện, lưu ý nếu không biết bơi tuyệt đối không được nhảy cứu vì có thể làm bản thân và nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm. Nếu cứu được nạn nhân, nhanh chóng đưa nạn nhân nằm chỗ thoáng mát, có không khí để nạn nhân hồi phục nhanh.

Nếu sau khi cứu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem nạn nhân có còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:

- Nếu thấy lồng ngực nạn nhân không chuyển động tức là nạn nhân đã ngưng thở, lúc này cần thực hiện ngay các thao tác cấp cứu nạn nhân đuối nước bằng cách hà hơi thổi ngạt qua đường miệng cho nạn nhân đồng thời dùng hai tay chồng lên nhau để ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt vào ngay vị trí một nửa xương ức dưới và ấn liên tục với tần số khoảng 100 lần/phút  đồng thời khai thông đường thở, các hành động trên tiến hành liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu nạn nhân còn thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để nước dễ thoát ra ngoài và các chất nôn khác. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân, khăn, quần áo khô… Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở vẫn có thể xảy ra sau vài giờ ngạt nước.

Cách đề phòng đuối nước trẻ em

Phụ huỳnh cầnh nhắc nhở con, em mình thực hiện các biện pháp sau:

- Tránh xa dòng nước sâu, nước xoáy trên ao, sông, kênh, rạch…

- Nếu đi tắm, bơi phải có người lớn biết bơi đi cùng, hướng dẫn. Phải mang theo dụng cụ bơi như: phao tay, phao người để phòng tránh các trường hợp bất thường.

- Không được phép đi bơi khi chưa có sự đồng ý của người lớn.

- Không chơi đùa quanh kênh, rạch, ao hồ, hố công trình xây dựng… không có hàng rào bảo vệ hoặc không có người bảo vệ.

-  Không cho trẻ em đi ra sông, hồ, kênh, hồ bơi… một mình khi không có người giám sát, người lớn đi cùng.

- Không cho trẻ em tắm, nhảy xuống vùng nước mà không biết nông, sâu, hay các vật nguy hiểm có thể tồn tại bên dưới mặt nước…

- Khi cho trẻ em đi bơi người lớn phải  đi theo và giám sát thường xuyên, không sử dụng điện thoại, đọc sách, làm chuyện khác….

- Nên tập cho trẻ biết đứng nước, bơi (từ 04 tuổi) trước khi cho tham gia các chương trình sinh hoạt ngoại khóa cùng bạn bè, hoặc đi bơi ở hồ bơi công cộng.