Chờ...

Những công trình giao thông “để đời” ở TPHCM sau 45 năm nhìn lại

(VOH) - Sau 45 năm từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), bức tranh giao thông tại TPHCM thay đổi mạnh mẽ.

Từ đó, nhiều công trình giao thông tiêu biểu đã ra đời, góp phần vào quá trình phát triển của thành phố.

Dấu ấn các công trình giao thông đường bộ:

Theo chia sẻ từ Kỹ sư cao cấp, Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TPHCM Hà Ngọc Trường - người đã làm việc trong ngành giao thông vận tải TPHCM từ những ngày đầu sau giải phóng. Theo ông Trường, trong giai đoạn từ 1975 - 1990, ngành giao thông vận tải chủ yếu làm công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu đường cảng là chính. Còn các công trình làm mới gần như chưa được đầu tư trong giai đoạn này. Từ sau năm 1990 đến nay, thành phố đã xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông mới, hiện đại bằng các công nghệ mới và các biện pháp thi công tiên tiến. Từ đó, nhiều công trình giao thông tiêu biểu đã được hình thành.

Đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ

Được xây dựng và hoàn thành sớm phải kể đến là Đại lộ Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Đây là một công trình tiêu biểu được khảo sát thiết kế và xây dựng bởi lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố trong những năm đầu sau Giải phóng (1980-1990), là tuyến đường huyết mạch nối từ phà Bình Khánh xuyên qua chiến khu Rừng Sác nổi tiếng một thời đến bãi biển Cần Giờ. Nay tuyến đường này đã được mở rộng và nâng cấp thành Đại lộ Rừng Sác, chiều dài hơn 31 Km, rộng khoảng 30 – 40 m, được đưa vào khai thác từ 24/01/2011.

Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ

Được hoàn thành và đưa vào khai thác ngày 20 tháng 11 năm 2011, nối Quốc lộ 1A ở phía Tây Nam với Xa lộ Hà Nội ở phía Đông Bắc thành phố tại nút giao thông khác mức tại Ngã Ba Cát Lái (trong đó có Hầm vượt sông Sài Gòn dài 1.490 m là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á) được xem là con đường đẹp nhất thành phố cho đến thời điểm hiện tại. Đại lộ Võ Văn Kiệt dài gần 20 Km, mặt đường rộng 42- 60 m, với 10 làn xe ở, giữa có làn giành riêng cho tuyến xe Bus nhanh (BRT trong tương lai). Đây là một công trình khá tiêu biểu, bao gồm cả hệ thống hầm vượt sông Sài Gòn và 9 nút giao vượt với các tuyến đường quan trọng trong thành phố. Được đưa vào khai thác ngày 20/11/2011.

Tuyến đường đi qua các quận 1, 2, 4, 5 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành tuyến đường trục Trung tâm giao thông Đông-Tây, kết nối hai đầu Đông Bắc – Tây Nam thành phố, cải thiện quan trọng hệ thống giao thông nội thị đang quá tải. Đồng thời, kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương ở phía Tây với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở phía Đông. Đại lộ Võ Văn Kiệt trở thành một trục giao thông chiến lược rất quan trọng, kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế cho TP. Hồ Chí Minh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hầm vượt sông Sài Gòn

Hầm vượt sông Sài Gòn – cùng với toàn tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ TPHCM đã chính thức thông xe vào ngày 20 tháng 11 năm 2011. Hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn 6 làn xe, với tổng chiều dài 1.490 m. Trong đó, phần hầm dìm được chia thành 4 đốt và được đúc riêng ở một địa điểm khác, cách vị trí dìm hầm 30 km, mỗi đốt nặng 27.000 tấn và được tiến hành lai dắt từ Nhơn Trạch–Đồng Nai về vị trí dìm hầm theo đường sông  Sài Gòn. Đốt hầm làm bằng bê tông cốt thép. Hầm dưới đáy sông cách mặt nước  từ 24 -26m, mặt cắt ngang hầm rộng hơn 33m cao 9m bề dày đáy và nắp 1,5 m, bề dày vách hai bên dày 1m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60 km/giờ. Hầm có thể chịu được động đất cấp 7 và có tuổi thọ 100 năm.

Để xây dựng thành công hầm  vượt sông Sài Gòn, các kỹ sư Nhật Bản đã cùng phối hợp cùng với kỹ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam áp dụng thành công kỹ thuật lai dắt các đốt hầm từ Nhơn Trạch về đến địa điểm dìm hầm, sau đó bằng thiết bị tháp và phao cộng với công nghệ điều khiển định vị bằng JPS đã dìm 04 đốt hầm xuống đúng độ sâu thiết kế (24m dưới mặt nước) an toàn, chính xác, đúng thời gian quy định. Lần đầu tiên công nghệ hầm dìm được áp dụng thành công ở công trình hầm vượt sông Sài Gòn đã mở ra một triển vọng mới cho Kỹ thuật và công nghệ xây dựng các công trình ngầm vượt sông ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

công trình giao thông, TPHCM, 45 năm

Hầm vượt sông Sài Gòn (nhìn từ Quận 2 )

Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi – Vành đai ngoài (Đại lộ Phạm Văn Đồng)

Đại lộ Phạm Văn Đồng dài 13,6 Km, rộng từ 30 – 60 m, được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014. Sau đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng đươc xây dựng rất bề thế, hiện đại, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với hệ thống các đường vành đai 2, quốc lộ 1A, giải tỏa áp lực ùn tắc giao thông cho khu vực Trung tâm Thành phố, nhất là đối với lượng hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đi các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, miền Bắc.                                                               

Dự án cải tạo, nâng cấp xa lộ Hà Nội từ 35 – 40 m lên 153 m

Dự án đã hoàn thành từng đoạn (từ chân cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2 trên QL 1A). Trên tuyến này có các nút giao thông lớn khác mức như: nút giao Cát Lái – Đại Lộ Mai Chí Thọ, nút  giao Trạm 2, nút giao Thủ Đức, và nút giao Đại học Quốc Gia và đang tiếp tục xây dựng các nút giao Bình Thái, nút giao Bến xe Miền Đông mới…

Các công trình cầu nổi bật ở TPHCM:

Cầu Phú Mỹ

Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7. Cầu có 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối Quận 7 với Quận 2 và Quận 9. Cầu cũng giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh được rút ngắn, sau khi cầu Phú Mỹ và các đường vành đai nối đến cầu hoàn thành sẽ góp phần làm giảm sự quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi ấy các xe tải loại lớn và xe container sẽ không chạy trong nội thành nữa, góp phần vào việc giảm ô nhiễm cho nội thành. Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới.

Cầu Sài Gòn 2

Cầu Sài Gòn 2 kết nối quận 2 và quận Bình Thạnh, TPHCM hoàn thành vào ngày 15/10/2013 góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Đông của thành phố. Đồng thời, cầu này còn đảm bảo tính đồng bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội đã được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sắp tới đây, nhiều công trình giao thông nổi bật khác ở TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, đó là tuyến Metro đầu tiên của TPHCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, là hàng loạt các dự án về giao thông cũng sẽ sớm hoàn thành như hầm chui An Sương, cầu Thủ Thiêm 2, các công trình giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Vành đai 2…Việc hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án giao thông này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh giao thông ở TPHCM. Các dự án, công trình giao thông này được thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm tình trạng trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của khu vực Đông, Tây Nam bộ.

Không áp dụng giãn cách cho thành viên trong gia đình khi tham gia giao thông Bộ GTVT vừa bổ sung việc hướng dẫn các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông, trong đó việc giãn cách không cần áp dụng cho các thành viên trong ...

 

Hạn chế phương tiện giao thông thủy lưu thông trên tuyến sông Tắc Sông Chà, huyện Cần GiờSở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa có thông báo hạn chế phương tiện giao thông thủy lưu thông trên tuyến sông Tắc Sông Chà, huyện Cần Giờ.