Chờ...

Những nữ tù binh trại giam Phú Tài nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(VOH) - Những nữ tù binh trại giam Phú Tài vui mừng và xúc động khi nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sáng 23/7, Ban Liên lạc cựu nữ tù chính trị và Tù binh TPHCM tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do Chủ tịch nước tặng thưởng cho tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

nhung-nu-tu-binh-trai-giam-phu-tai nhan-danh-hieu-anh-hung luc-luong-vu-trang-nhan-dan-voh.com.vn-anh1
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước – cựu tù Côn Đảo, trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các nữ cựu tù trại giam Phú Tài.

Trại giam Phú Tài (xã Phước Long, huyện Tuy Phước, nay là phường Trần Quang Diệu, Thành phố  Quy Nhơn, Bình Định) được lập vào tháng 6/1967 để giam giữ tù binh là nữ chiến sĩ cách mạng. Qua 5 năm tồn tại, trại giam Phú Tài đã giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng, hầu hết tuổi đời từ 14 đến 22, đa số chưa lập gia đình.

Những người phụ nữ trong tay không một tấc sắt, đã đoàn kết đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, đau đớn, đói rét và bệnh tật để tiếp tục sống và chiến đấu. Trong cuộc đấu tranh này, có 8 nữ chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, vào ngày 15/2/1973, 904 nữ tù binh trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước).         

Bà Trần Thị Tâm – Cựu tù từng ở nhà giam Phú Tài kể, bản thân bà tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, với vai trò vừa là y tá, vừa là giao liên. Bà bị thương và bị địch bắt đưa vào trại giam Chí Hòa, rồi năm 1969 bà bị đưa ra trại giam ở Bình Định. Hôm nay cùng nhiều nữ tù năm xưa nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nên bà rất phấn khởi: “Rất vui mừng, phấn khởi, mình cũng được góp một phần nhỏ bé trong cuộc chống Mỹ cứu nước và được Nhà nước vinh danh là anh hùng lực lượng vũ trang, điều đó rất sung sướng, hạnh phúc. Nhưng rất tiếc là tại nơi đây, chị em chúng tôi đã tắm máu rất nhiều. Nhiều chị em đã hy sinh nằm lại. Mong nhà nước sẽ phục hồi lại những nơi đó để lưu giữ những chiến tích để lại cho con cháu mai sau nhìn vào đó như là một nhân chứng thực tế”.

nhung-nu-tu-binh-trai-giam-phu-tai nhan-danh-hieu-anh-hung luc-luong-vu-trang-nhan-dan-voh.com.vn-anh2
Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các nữ cựu tù trại giam Phú Tài.

Đến tham dự buổi lễ, bà Trần Thị Huyền Thanh - Ủy viên đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban Công tác phía Nam, là con gái của cựu tù binh trại giam Phú Tài - Trần Huyền Hương (bị địch bắt năm 18 tuổi và bị giam suốt 5 năm tại đây). Bà Huyền Thanh luôn nhớ về bài học thành công mà mẹ mình từng nhắc nhở, là phải “Yêu thương, chia sẻ và đoàn kết": "Khi ở trong tù thì các cô rất yêu thương, chia sẻ. Người lớn thì giúp đỡ cho người trẻ hơn, người khỏe thì giúp cho người yếu hơn, chia sẻ, san sẻ với nhau, cùng đùm bọc nuôi những đứa con ở trong tù. Có những cô mới 18 tuổi, chưa một lần yêu nhưng đã làm 'mẹ' cho những người con tù. Đó là bài học nâng đỡ, bài học chia sẻ, bài học yêu thương, gắn kết vì một mục đích chung là chiến thắng. Trong thế hệ ngày nay thì những người trẻ của chúng ta, cần học bài học đó là sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau để chúng ta cùng xây dựng, cùng phát triển, cùng phấn đấu vì một mục tiêu là cùng góp công xây dựng cho đất nước chúng ta đẹp hơn".

Còn với cựu tù trại giam Phú Tài Nguyễn Thị Nghĩa, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op kể, trại giam nằm giữa thung lũng mà người dân gọi là thung lũng muối, hình lòng chảo, xung quanh là dãy núi đá Trường Sơn và khu quân sự địch. Sư đoàn 22 bộ binh, các trại lính Mỹ, Nam Triều Tiên, trại gia binh và 01 tiểu đoàn quân cảnh thuộc quân đoàn 2 ngụy trấn giữ. Bao quanh trại giam là nhiều lớp kẽm gai. Ở trong trại giam Phú Tài, các nữ tù binh chịu đựng một chế độ giam giữ khắc nghiệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120 mét vuông, chúng giam 70-80 người, có khi lên đến 100-150 người. Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh buốt ...Ở đây là nơi giam giữ, nhưng địch dùng mọi hình thức tra tấn tù binh như thời trung cổ, để tra trấn thể xác và tinh thần chị em. Các cô, các chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước và hôm nay được ghi nhận rất xứng đáng.

“Chị em chờ đợi gần 50 năm rồi và hôm nay mới được sự công nhân của Nhà nước, đó là một điều rất vinh dự mà chị em đã chiến đấu gian khổ, sống chết, có chị em bị nó đánh bầm dập dẫn đến thương tật. Bây giờ được nhìn nhận để chứng minh cuộc đấu tranh của chị em trong nhà tù để bảo vệ khí tiết để chống lại chế độ tù hà khắc”, nữ cựu tù Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.

nhung-nu-tu-binh-trai-giam-phu-tai nhan-danh-hieu-anh-hung luc-luong-vu-trang-nhan-dan-voh.com.vn-anh3
Hai nữ cựu tù trại giam Phú Tài ôn lại kỷ niệm xưa.

Trại giam Phú Tài có 08 người được công nhận liệt sĩ, 908 người là thương binh các hạng, 908 người được trao kỷ niệm chương cách mạng bị địch bắt tù đày. Hiện nay cựu tù binh tại TPHCM có khoảng 90 người, nhưng trải qua năm tháng tù đày khắc nghiệt, hơn 20 người đã ra đi mãi mãi.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM – khẳng định, gần 5 năm bị giam cầm tại đây, dù phải chịu những đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng các nữ chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, dám nghĩ, dám làm, lấy mục tiêu chung làm động lực của cuộc chiến đấu. Và những hình ảnh kiên trung, không khuất phục trước đòn roi, nhục hình tra tấn hiểm độc của quân thù, các nữ chiến sĩ cách mạng - nữ tù binh Phú Tài là hình ảnh sinh động để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ sau.

Bình luận