Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có những cơ chế chính sách vượt trội cho TPHCM

(VOH) - Sáng 18/10, Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019 do UBND TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ, Hiệp hội Doanh nghiệp, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP và Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cùng hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước, 20 diễn giả quốc tế tham gia thảo luận.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí minh 2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhận định: Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới.

Ông Phong dẫn chứng, tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London là 42%, tại Thượng Hải là 27% và tại Singapore là 29%... điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm Tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu. Đối với TPHCM ngay từ năm 2002 nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, thành phố có khát vọng biến mình trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc trở thành Trung tâm Tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp, trong số 400 ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước, 20 diễn giả quốc tế tham gia thảo luận

Hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước, 20 diễn giả quốc tế tham gia diễn đàn.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên tổng sản phẩm nội địa GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%… Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.

Với 5 yếu tố cốt lõi của trung tâm tài chính đã đề ra là môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương, thành phố hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp thành phố thực hiện thành công đề án. “Đây còn là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai”, ông Phong nói.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, TPHCM ở vị thế rất đặc biệt, đó là giao điểm giữa Đông và Tây Nam Bộ. Phía Đông Nam Bộ là trung tâm công nghiệp của cả nước. Tây Nam Bộ là thủ phủ lúa gạo tôm, cá, trái cây của cả nước, thì những giao dịch về hàng hóa cũng sẽ trở thành một trong những ngách phát triển cho TPHCM. Theo ông Anh TPHCM muốn trở thành trung tâm tài chính của quốc gia của khu vực thì phải tìm ra lối đi mới, bứt phá dựa vào xu thế công nghệ mới, đồng thời lợi dụng vào vị thế đắc địa cũng như vị thế tự nhiên và lợi thế so sánh vốn có của mình  và TP HCM chỉ có thể thực hiện được khát vọng trở thành trung tâm tài chính, trở thành thành phố đi đầu cả nước và phát triển tài chính nếu như có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại diễn đàn.

Nêu một số điều kiện cần và đủ để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố là trung tâm tài chính của đất nước, vấn đề là đất nước này có thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư hay không. Theo ông Nhân, khách hàng của TPHCM chính là ở thành phố và vùng động lực phía Nam, đây là nơi cần nhu cầu vốn rất lớn. Trung tâm tài chính phục vụ cho vùng và cho cả nước và thành phố đang có kế hoạch để đáp ứng đủ điều kiện để trở thành trung tâm tài chính của khu vực, đất nước.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải có chính sách khuyến khích trong lĩnh vực tài chính và phải có hạ tầng viễn thông tốt. “Sắp tới sẽ phát triển chương trình trí tuệ nhân tạo, trí tuệ nhân tạo sẽ là điểm đặc biệt của thành phố trong 10 năm tới", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, TP có vai trò vô cùng quan trọng nhưng chưa đủ nếu các bộ ngành, địa phương trong cả nước không vào cuộc. Nếu TPHCM là đầu tàu, thì phải dồn năng lượng vào đầu tàu. Vì thế rất cần có những cơ chế chính sách vượt trội cho thành phố. Hiện nay, thành phố đang chuẩn bị đề án để xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, sẽ trình Chính phủ vào sang năm và cũng trùng với dịp theo nghị quyết của quốc hội. “Chính phủ sẽ cùng với thành phố sơ kết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù của TPHCM và kết hợp hai cái này lại. Các bộ ngành cùng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần khuyến khích những ý tưởng mới và có giải pháp đột phá thì chúng ta phải có chính sách cao hơn bình thường, vượt trội, riêng có”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Lắp camera nhận diện khuôn mặt để chống móc túi trên xe buýt - (VOH) - Đây là thông tin được Giám đốc Sở GTVT TPHCM đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ của Sở vào sáng 18/10.

 

Bình luận