Quận 12 – Tái thiết lập cây 'ATM gạo' nghĩa tình

(VOH) - Việc lắp đặt cây ATM gạo để nhanh chóng hỗ trợ người dân và anh chị em thanh niên công nhân, người lao động tự do của phường Thạnh Lộc đang bị phong toả.

Những ngày qua, ngoài câu chuyện được mọi người quan tâm là cả hệ thống chính trị cùng nhân dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thật tốt việc cách ly, giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố thì tại Quận 12, việc tái lắp đặt cây “ATM gạo” cũng nhận được sự hưởng ứng, góp sức của rất nhiều người dân, doanh nghiệp, nhằm góp sức cùng Thành phố phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và chăm lo cho người yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Phường Thạnh Lộc là địa bàn có nhiều công nhân lao động, được sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, hai ngày sau khi thực hiện cách ly, Quận đoàn quận 12 đã tái thiết lập cây gạo ATM để hỗ trợ người dân trên địa bàn.

 Người dân Phường Thạnh Lộc Q.12 đến cây ATM nhận gạo.  
 Người dân Phường Thạnh Lộc Q.12 đến cây ATM nhận gạo.  

Theo Phó bí thư quận đoàn Quận 12 – Lê Thành Đạt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận 12 xác định, việc lắp đặt cây ATM gạo là việc cần làm ngay để nhanh chóng hỗ trợ người dân và anh chị em thanh niên công nhân, người lao động tự do của phường Thạnh Lộc đang bị phong toả. Nhất là thời gian này họ không thể ra khỏi địa bàn để làm việc cũng như nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.

"Nguồn gạo chủ yếu được vận động từ các tổ chức đoàn thể và các cá nhân trên địa bàn thành phố thông qua trang thông tin của Quận đoàn và các đơn vị báo chí. Tính đến nay cây ATM gạo đã tiếp nhận được hơn 2 tấn gạo và đã hỗ trợ cho hơn 700 lượt người dân.

Ngoài ra, quận Đoàn còn triển khai thêm các đội hình tình nguyện mang thực phẩm đến từng nhà dân có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi, người khuyết tật không có điều kiện đi lại” - Phó bí thư quận đoàn Quận 12 Lê Thành Đạt nói.  

Tại cây ATM gạo trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12 được bố trí nhân sự trực hướng dẫn người dân đảm bảo sát khuẩn, giữ đúng khoảng cách và nhận gạo theo phiếu đã phát trước đó.

Đến nhận gạo, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, và chị Trần Thu Thị Thảo, công nhân đang cư trú ở Phường Thạnh Lộc, quận 12 xúc động nói: “Em cám ơn chương trình đã hỗ trợ cho tụi em một phần quà thiết thực trong lúc Covid-19 đang phức tạp”.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân TPHCM trong việc áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, những ngày qua, các hộ dân tại phường Thạnh Lộc quận 12 đã chấp hành nghiêm quy định giãn cách.

Phường Thạnh Lộc hiện có gần 17.000 hộ và gần 2000 hộ thuộc các phường khác trên địa bàn quận 12 đang thực hiện cách ly. Đây là địa bàn đông dân cư, đặc biệt có nhiều đối tượng là công nhân, lao động nghèo. Vì vậy, để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn an tâm cách ly, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng  được các cấp uỷ đảng, chính quyền quận 12 quan tâm thực hiện.

Bà Trương Nhựt Thẫm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 12 cho biết, thông qua các tổ chức đoàn thể, quận cũng triển khai thêm nhiều hình thức hỗ trợ khác như phát thêm các nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ suất cơm miễn phí cho người dân và cán bộ chiến sỹ tại các điểm chốt phòng dịch:

"Hội LHPN kịp thời vận động toàn lực của cán bộ hội viên phụ nữ để thực hiện nhiều biện pháp như: tổ chức các bữa ăn sáng, trưa, chiều cho các lực lượng đứng chốt; Hỗ trợ cho những hộ phụ nữ khó khăn đơn chiếc, người già neo đơn. Hội có lực lượng đi mua nhu yếu phẩm giúp người dân trong khu cách ly. Mỗi buổi sáng là các chị đến các điểm chốt này, coi nhu cầu của từng hộ dân, các chị sẽ đi mua”.

Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cho biết, Quận 12 có 7 điểm đang phong tỏa, quận đã rà soát từng hộ để có sự hỗ trợ kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Chúng tôi sử dụng Quỹ vì người nghèo của Quận đồng thời vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ. Qua rà soát thì hiện nay người dân sinh hoạt cũng rất tốt trong khu phong tỏa. Tuy nhiên, những trường hợp có thu nhập hằng ngày thì bị ảnh hưởng, quận, phường đang hỗ trợ những trường hợp đó”.

Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, giúp nhau trong đại dịch đang được lan tỏa rộng khắp, tô thắm thêm truyền thống nghĩa tình của người dân Thành phố. Trong khó khăn, hoạn nạn thì nghĩa đồng bào lại càng được nhân lên gấp bội như cây ATM đầy ắp những hạt gạo yêu thương. 

Bình luận