Quận 9 trở thành đơn vị đầu tiên triển khai đề án chuyển đổi số của TPHCM

(VOH) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực hành chính công trên địa bàn TPHCM.

Quận 9 là một bộ phận cấu thành của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và thành phố Thủ Đức trong tương lai thì chuyển đổi số càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Tại buổi lễ khai giảng đào tạo chuyển đổi số tổ chức ngày 1/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá cao sự nỗ lực của Quận 9 - đơn vị đầu tiên của Thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn để triển khai chương trình chuyển đổi số với những bước đi ban đầu.

Đây sẽ là những bước đi cần thiết và quan trọng cho quá trình hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại lễ khai giảng

Chuyển đổi số là một quá trình và đòi hỏi từng địa phương phải có lộ trình, có kế hoạch triển khai một cách bài bản, khoa học. Kết quả của chuyển đổi số không phải chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn là chiến lược và ý chí của người lãnh đạo từng đơn vị.

Những bước đi này cho thấy từ lãnh đạo đến công chức, viên chức, người lao động Quận 9 rất quan tâm đến công việc này.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cũng lưu ý: “Trong quá trình tổ chức các lớp học nên quan tâm đến chất lượng, các học viên học với tinh thần chủ động, học để ứng dụng vào công tác hàng ngày hiệu quả hơn nhờ chuyển đổi số, rà soát bám sát với tình hình địa phương và trên cơ sở chuyển đổi số của Thành phố để triển khai đồng bộ”.

Nhiệm vụ đầu tiên của chuyển đổi số đó là đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là sự nhận thức của người Lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị. Tiếp đến là phát triển hạ tầng số, nền tảng số,  và cuối cùng là tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu của người dân - doanh nghiệp, nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo ông Hoàng Công Gia Khánh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh: “Việc xây dựng chương trình chuyển đổi số cho Quận 9 lần này nhằm đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức trong chuyển số nói chung và khu vực công nói riêng. Khóa học giúp cho học viên nắm tổng quan về công nghệ thông tin và truyền thông mới, kinh tế số và chuyển đổi số; hiểu được cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, yêu cầu của lãnh đạo và quản trị trong kỷ nguyên số; nắm được nội dung cốt lõi và quy trình của chuyển đổi số và hiểu được quá trình chuyển đổi số của quốc gia, của TPHCM”.

Ngay từ khi UBND TPHCM ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM, lãnh đạo Quận 9 đã ý thức được tầm quan trọng của công việc này.

Theo Chủ tịch UBND Quận 9 ông Trần Văn Bảy, bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vì một số cán bộ được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch cũng chưa am hiểu về “Chuyển đổi số” phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Nhưng với tinh thần quyết tâm chính trị cao phải làm cho bằng được và cái nào không biết thì phải học, phải tìm hiểu, lãnh đạo quận đã chủ động làm việc với Khu công nghệ phần mềm và Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh để hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của quận.

Vì ý nghĩa quan trọng của Chương trình Chuyển đổi số, vì tinh thần học để làm tốt công việc phục vụ Nhân dân, Chủ tịch UBND Quận 9 yêu cầu: “Các học viên tham gia các lớp học phải học tập nghiêm túc, học với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần cầu thị để qua lớp học có được những kiến thức cơ bản đáp ứng được nhu cầu công tác thời gian tới”.

Các lớp đào tạo về chuyển đổi số của Quận 9 sẽ diễn ra từ ngày 1/10 đến 31/12 với 4 lớp dành cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý phòng ban, đơn vị, mỗi lớp dự kiến khoảng 40 người. Các học viên sẽ được học 4 chuyên đề theo chương trình biên soạn và giảng dạy của các giảng viên Khu công nghệ phần mềm và Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Xem thêm:

Bình luận