Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động thường niên do tổ chức Unesco phát động từ những năm 1980 với mục tiêu phát triển cá nhân con người và phát triển xã hội. Tiếp nối hoạt động này, thời gian qua Quận 2 luôn tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tham gia học tập, nâng cao kỹ năng hoạt động qua các mô hình lớp phổ cập tin học cho người lớn tuổi, lớp hội hoạ cho thiếu nhi cơ nhỡ, tủ sách cộng đồng tại khu phố... Các mô hình dòng họ học tập, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... cũng đã góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc học tập của người dân.
Như trường hợp em Lê Thị Như Mai, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 2, bỏ học từ Đồng Nai vào TPHCM tìm việc tự nuôi bản thân và gia đình. Sau 10 năm, trải qua nhiều công việc từ phục vụ quán cà phê, quán bar, đến bán bảo hiểm, bất động sản... bạn trẻ đã hiểu được giá trị của tri thức. Ngoài việc tự học từ cuộc sống Như Mai còn được hỗ trợ học tập văn hoá tại địa phương. "Nỗ lực làm việc vất vả thôi chưa đủ mà phải làm việc thật thông minh. Có câu nói rất hay của tỷ phú đầu tư thế giới Warrent Buffet "Đầu tư nhiều vào bản thân mình càng tốt. Bạn là tài sản lớn nhất của chính mình cho đến thời điểm hiện tại". Con biết, để có tri thức chỉ có học. "Học, học nữa, học mãi! Cho nên con xin phép nhập học trở lại trường sau 10 năm vắng mặt để hoàn thiện bản thân mình hơn và cũng để chứng minh cho mọi người thấy việc học chưa bao giờ là muộn", Như Mai chia sẻ.
Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tri thức của nhân loại, mỗi quốc gia để phát triển bền vững con đường tối ưu phải là xây dựng xã hội học tập, trong đó mọi người dân phải được tạo cơ hội học tập suốt đời. Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, TPHCM đã đóng góp tích cực trong phong trào học tập suốt đời của cả nước, tích cực chuyển đổi số, có những biện pháp phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh. Trong quá trình chuyển đổi số, bà kỳ vọng mỗi người dân sẽ có những sáng tạo làm thay đổi phương thức, mô hình học tập hiệu quả hơn với đặc thù của cá nhân, của cộng đồng sinh sống. Phó Vụ trưởng cho rằng một xã hội học tập là xã hội ở đó mọi người dân không chỉ có nhu cầu học tập mà còn được đáp ứng nhu cầu học tập. Bên cạnh đó, một xã hội học tập còn là một xã hội mà mọi tổ chức cá nhân trong xã hội có trách nhiệm và có quyền lợi được tham gia cung ứng vào các dịch vụ giáo dục. Chính vì vậy, việc học tập được mở rộng ở mọi lúc mọi nơi và việc học tập không chỉ diễn ra trong nhà trường, trong lớp học.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, TPHCM và cả nước đang liên tục đổi mới, phát triển, trong đó có sự đóng góp của mỗi người dân thông qua việc chủ động học tập. Sự ra đời và phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận phương thức học tập mới. Buổi lễ hôm nay nhằm nhấn mạnh yêu cầu cần phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, hình thành mạng lưới học tập mở của người Việt Nam. Người học cần biết tận dụng lợi thế của kỉ nguyên số với nguồn không gian và dữ liệu mở để có thể tiếp cận tri thức từ nhiều nguồn, giữa truyền thống và hiện đại, góp phần đẩy mạnh xã hội học tập. Ông Dương Anh Đức lưu ý: "Thành phố chúng ta đang ở năm đầu tiên triển khai chương trình chuyển đổi số, song song với việc tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngành giáo dục hơn ai hết phải là ngành đi đầu trong công tác chuyển đổi số, và phải biết tận dụng tối đa những lợi thế mang lại từ công cuộc chuyển đổi này để cải thiện môi trường học tập, giúp cho người dân thành phố có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với những tri thức của nhân loại, ứng dụng vào công cuộc xây dựng phát triển TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung".
Xem thêm: