Quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

(VOH) - Năm 2021 và đầu năm 2022 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy, tình hình tai nạn giao thông cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã giảm sâu so với các năm trước.

Cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông và tăng cường chế tài xử lý vi phạm - đó là những nội dung được các đại biểu nhấn mạnh tại Chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố Tháng 3/2022, do Hội đồng nhân dân TPHCM phối hợp cùng VOH thực hiện, vừa diễn ra sáng 26/3.

quyet-liet-hon-nua-trong-cong-tac-dam-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-voh.com.vn-anh1
Chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 3/2022 về Công tác đảm bảo trật tự ATGT vào sáng 26/3. (Ảnh: Khiêm Huân)

Năm 2021 và đầu năm 2022 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy, tình hình tai nạn giao thông cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã giảm sâu so với các năm trước, thể hiện các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chúng ta đã và đang triển khai đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông còn rất lớn, thiệt hại về người và tài sản còn ở mức cao, tai nạn giao thông giảm chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải thông tin: "Hiện nay, tại TPHCM mật độ đường giao thông chỉ đạt 2,26km/km2 , trong khi quy chuẩn là từ 10-13,3km/km2. Tỷ lệ đất dành cho giao thông 12,76%, theo quy hoạch là phải đạt từ 24-26%. Nói vậy để thấy hệ thống hạ tầng thiếu và rất yếu so với quy định. Ngoài ra còn khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, nên công tác đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch còn chậm".

Thính giả Trần Đức Nghĩa nêu ý kiến về việc xe buýt chạy ẩu và tình trạng sử dụng còi hơi gây nguy hiểm cho người đi đường: "Mong Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh, nhắc nhở mấy anh em tài xế của xe buýt chạy lấn tuyến, lấn làn. Vấn đề thứ hai là còi hơi của xe khiến người ta giật mình, tôi từng chứng kiến cảnh một chị chở em nhỏ bị giật mình do tiếng còi hơi của xe, cũng hên là bị ngã vô mé bên phải, chứ ngã ra mé tay trái là có tai nạn nghiêm trọng xảy ra".

Việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị, một trong những giải pháp trọng tâm mà Thành phố đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới cũng được các khách mời tham gia chương trình tập trung chia sẻ. Thượng tá Trần Nguyễn Phương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết thêm: "Trong năm 2021 thì đã trích xuất được hơn 103.300 lượt vi phạm, trong đó là có hơn 25.000 trường hợp đã chấp hành thực hiện quyết định nộp vào kho bạc hơn 28 tỷ. Tuy nhiên thì tỷ lệ người chấp hành quyết định xử phạt vẫn còn thấp, do một số nguyên nhân. Với việc tăng cường xử lý qua hình ảnh thì nó tạo được những hiệu quả tích cực như là nó sẽ giảm tải cho lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý trực tiếp trên đường, đồng thời cũng giảm được  vấn đề tiêu cực trong các hoạt động tuần tra, kiểm soát. Thứ hai là xử lý qua hình ảnh, giúp cho  việc tự giác chấp hành pháp luật giao thông cũng được nâng cao hơn, tại vì rất công bằng".

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, địa phương huy động tổng lực hệ thống chính trị tham gia trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nỗ lực kéo giảm tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, việc tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ, tăng mức chế tài là những giải pháp mà địa phương rất ủng hộ, tạo được hiệu quả tích cực: "Đường sá hạ tầng ở vùng đất yếu cho nên là phương tiện giao thông tham gia thường là ảnh hưởng tới an toàn giao thông của huyện. Cho nên Nghị định 100 và Nghị định 123 đó có tăng những cái mức so với Nghị định 46 trước đây thì phải nói Bình Chánh ủng hộ rất lớn. Xử lý những hành vi mà uống rượu, bia có nồng độ cồn tham gia giao thông, chở quá tải rồi không bằng lái, không đội nón bảo hiểm. Đây là những nguyên nhân phải nói rất nguy cơ lớn và đã xảy ra rồi. Năm 2021 thẩm quyền xử lý của đội Bình Chánh là khoảng 6 tỷ nhưng mà khi mà có sửa đổi NĐ 123 đó chưa tới 3 tháng thì đã là khoảng 40%, như vậy tính răn đe rất cao và cần thiết. Xử lý như vậy thì thấy rõ là có sự chuyển biến tốt".

Theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, năm 2021 có đến 4 tháng giãn cách, nên 2022 khi các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trong điều kiện bình thường mới, để có thể giữ được các chỉ tiêu kéo giảm tai nạn là một thách thức lớn. Ban An toàn giao thông và các đơn vị liên quan xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm để triển khai thường xuyên, quyết liệt. Đồng thời, ông Phúc cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông: "Các giải pháp về tuyên truyền, các giải pháp về hạ tầng giao thông và các giải pháp về công tác ra quân, thực hiện các cái nội dung để cưỡng chế và đấu tranh phòng, chống các cái hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Phần trọng tâm triển khai thực hiện thì Ban an toàn giao thông thành phố sẽ cụ thể trong từng tháng, từng quý sẽ tham mưu cụ thể. Chúng ta đã thấy được những hạn chế, bất cập về hạ tầng giao thông, những khó khăn của thành phố nhưng trọng tâm nhất là sự đồng tình, ủng hộ của người dân thành phố để chia sẻ, khắc phục những khó khăn về hạ tầng giao thông. Mỗi một ý thức người dân sẽ góp phần rất lớn trong công cuộc giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông".

Kết luận chương trình, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM nhấn mạnh: "Tôi đề nghị quan tâm, Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cao hệ thống kết nối hạ tầng giao thông, các công trình cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông. Thứ hai, là tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi. Thứ ba là tiếp tục tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm có lưu lượng phương tiện lớn, đặc biệt là trên các tuyến cửa ngõ. Thứ tư  là phải đồng thời phải đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với cái điều kiện, tình hình thực tế hiện nay"