Chờ...

Quyết tâm xử lý tiếng ồn ở TPHCM, cần khắc phục những bất cập

(VOH) - UBND TPHCM có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục xử lý các vi phạm liên quan đến tiếng ồn, phòng chống dịch, an ninh trật tự.

Địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng chống dịch Covid-19 hoặc an ninh trật tự thì xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

UBND TPHCM giao các cơ quan chức năng nghiên cứu các quy định và thực trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các thiết bị âm thanh (loa, âm ly,...) và công suất của các thiết bị này, tình hình xử lý vi phạm hành chính về hải quan, quản lý thị trường, thương mại có liên quan, làm rõ tại sao theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT đã quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc (giới hạn cao nhất là 70 dBA) nhưng các thiết bị âm thanh có công suất lớn vẫn được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc. Bên cạnh đó, các sở ngành chức năng cần tìm hiểu, tổng hợp các giải pháp, biện pháp về khoa học, kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới về giảm thiểu tiếng ồn, đề xuất UBND TP xem xét thử nghiệm các giải pháp, biện pháp phù hợp.

Động thái trên của UBND thành phố một lần nữa tỏ rõ quyết tâm xử lý những vi phạm về tiếng ồn vốn là nguyên nhân gây nên nhiều vụ việc bất ổn xã hội trong thời gian qua, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay.

quyet-tam-xu-ly-tieng-on-o-tphcm-can-khac-phuc-nhung-bat-cap-voh.com.vn-anh1
Ô nhiễm tiếng ồn hiện đang là vấn nạn. (Ảnh: TTO)

Tiếng ồn từ hoạt động giao thông vốn là điểm đặc trưng của đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là tiếng ồn từ hoạt động xây dựng. TPHCM có rất nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng ngay gần khu dân cư, quá trình thi công dài hàng năm trời nhưng không thực hiện các biện pháp hạn chế tiếng ồn đã gây ảnh hưởng đến cư dân xung quanh. Đã có nhiều phản ánh của người dân đến đường dây VOH thể hiện sự bức xúc khi cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiếng ồn phát ra từ các công trường, nhà máy sản xuất.

"Tiếng ồn bên hãng nước, tôi đã nhiều lần xin chính quyền địa phương cứu vãn nhưng không xử lý được, nhờ đường dây nóng phản ánh giúp cho chúng tôi".

"Ở đây đang thi công một công trình đào đường, làm việc từ 20 giờ đến 4h sáng, rất ồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân, tôi không thể nào ngủ được. Các công trình có thể làm vào buổi sáng, ban ngày, còn ban đêm phải để cho mọi người ngủ".

Trên đây là phản ánh đến đường dây nóng VOH của một số thính giả ngụ ở xã Hưng Long huyện Bình Chánh và phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân.

Vốn phải sống chung với tiếng ồn từ hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất, nên khi phải gánh chịu thêm những loại tiếng ồn gây ra từ việc ca hát vui chơi giải trí của hàng xóm đôi khi cũng trở nên quá sức chịu đựng đối với nhiều người.

Tiếng ồn gây hại cho sức khỏe con người, do vậy, vấn đề này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại là nguyên nhân gây nên nhiều mâu thuẫn, thậm chí là xô xát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng dân cư.

Một nữ thính giả ngụ ở huyện Bình Chánh từng phản ánh đến đường dây nóng VOH cho biết, bấy lâu nay chị phải sống chung với tiếng ồn từ việc ca hát của hàng xóm, cũng vì chuyện này mà gây mất tình làng nghĩa xóm: "Nhà sát vách làm ảnh hưởng quá mà tôi không dám nói, sợ họ nói mình kiếm chuyện này nọ".

Chị Thanh Thảo, một nữ thính giả ngụ ở quận 12 cho biết, bên cạnh nhà chị là một dãy trọ của công nhân, chị thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn từ việc ca hát từ những người ở dãy trọ này, mà phản ánh với chính quyền địa phương thì mọi việc cũng không được xử lý rốt ráo: "Có nói, góp ý, báo lên công an khu vực làm việc với người gây ồn rồi, nhưng cũng vậy. Việc này thì cũng khó xử lý, âm thanh có thể vừa đủ, còn gây ồn quá thì rất mệt mỏi".

Về giải pháp chấn chỉnh tiếng ồn gây ra từ việc giải trí của những người xung quanh, có ý kiến cho rằng, phải chấn chỉnh từ việc tiệc tùng ăn nhậu, nếu không thể cấm nhậu thì nên có những khung giờ cụ thể cấm gây ồn ào, như vào giờ nghỉ trưa hoặc tối muộn: "Khi mà nhậu nhẹt là hát hò xảy ra, cấm nhậu thì mới cấm hát được. Người xung quanh hát hò vào giờ bình thường thì không sao nhưng vào giờ nghỉ trưa hay giờ nghỉ tối thì đương nhiên người xung quanh sẽ khó chịu".

Nhiều người dân cho biết rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố có sự quyết tâm trong công tác tác chỉ đạo chấn chỉnh nạn tiếng ồn, song, liệu rằng lực lượng cán bộ ở cơ sở có đủ sức để theo dõi và xử lý vấn đề này. Nên chăng cần có bộ phận chuyên trách phát hiện những người vi phạm và phải xử lý tới nơi tới chốn. Nếu như chỉ vận động nhắc nhở thì rất khó mang lại hiệu quả.

"Chỗ tôi ở có vụ nhậu nhẹt hát karaoke rồi gây gổ, tổ trưởng tới cũng không xử lý được. Địa bàn nào làm tốt thì tác động được người dân, địa bàn nào làm không tốt thì không thể tác động", một người dân cho biết.

"Nhà nước mình cần có bộ phận chuyên về xử lý tiếng ồn, phát hiện là có thể phạt thích đáng, chứ nhắc nhở qua loa thì cũng vậy", một người khác hiến kế.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, người dân ở các đô thị lớn hiện phải sống chung với tiếng ồn vượt ngưỡng khá xa định mức cho phép. Trong một vài năm trở lại đây, chính quyền TPHCM liên tục có những văn bản chỉ đạo, quyết tâm xử lý triệt để nạn tiếng ồn, nhưng khi rà soát lại các quy định, chế tài trong vấn đề này thì cũng còn rất nhiều bất cập.

Luật sư Nguyễn Trọng Hào, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một hạn chế lớn trong công tác chống ô nhiễm tiếng ồn là bản thân người dân cũng chưa hiểu được thế nào là ô nhiễm tiếng ồn, định lượng thế nào là tiếng ồn quá mức cho phép và cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết. Chế tài của pháp luật tuy không thiếu, nhưng khi áp dụng vào thực tế để xử lý các hành vi vi phạm thì lại có nhiều yếu tố không khả thi.

Luật sư Nguyễn Trọng Hào nêu lên một số vấn đề cần chấn chỉnh để công tác này đạt hiệu quả hơn: "Đo tiếng ồn phải có dụng cụ đo, người dân không thể tự đo độ tiếng ồn nên không thể làm đơn tố cáo vấn đề này. Thường chỉ làm đơn phản ánh là hoạt động quá thời gian quy định, cho nên vấn đề mà người dân cần là làm sao để đo được mức độ gây ồn ào quá mức cho phép".

Để chấn chỉnh hiệu quả nạn tiếng ồn, cần thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về ý thức hạn chế tiếng ồn và điều không kém phần quan trọng, đó là sự lắng nghe của chính quyền địa phương các cấp đối với những phản ánh của người dân để sớm có những biện pháp xử lý.