Sức mua thấp, nhà vườn mong huề vốn

(VOH) - Tình hình dịch bệnh diễn biến trên địa bàn TPHCM cộng với tác động từ cơn mưa trái mùa 2 ngày trước đã ảnh hưởng không ít đến sức tiêu thụ và thu nhập của bà con nhà vườn.

Tuy nhiên, với truyền thống nghĩa tình, tương thân tương ái, tình hình hoa kiểng trên địa bàn trong những ngày giáp tết hi vọng sẽ có thêm tín hiệu vui.

Trưa 29 tết, tại đường hoa Bến Bình Đông "Trên bến dưới thuyền" chị Lâm Nhã Vy, ngụ tại Quận 10 đang loay hoay tìm cách đỡ 2 cặp hoa vạn thọ và mào gà vừa mua lên xe.

Chị chia sẻ thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng, chị và gia đình cũng hơi lo nhưng nhìn bà con nhà vườn đội mưa đội nắng để bán từng chậu hoa lại càng thương hơn. Chị Vy lo ngại: "Tội nghiệp cho mấy người bán, thành ra đi mua, không trả giá, nói nhiêu mua nhiêu. Năm nay chắc không hy vọng nổi rồi, chỉ mong kéo lại năm sau. Cầu mong năm sau sao cho hết dịch, cho người dân đỡ khổ".

Sức mua thấp, nhà vườn mong huề vốn 1
 

Anh Nguyễn Văn Khải, nhà vườn xã Vĩnh Hoà, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đưa 1.400 chậu hoa lên bán chợ hoa bến Bình Đông, Quận 8, từ 24 tết. Nếu năm trước đến thời điểm này anh đã bán được 70%, thì hiện anh mới bán được chỉ 50%  lượng hoa. 

Chi phí cho vụ mai ngoài phân thuốc, công chăm sóc, còn có tiền thuê mặt bằng, thuê ghe vận chuyển lên đến hàng chục triệu. Anh cho biết cơn mưa trái mùa cách đây 2 hôm cũng làm thiệt hại gần 100 chậu hoa đang chưng bán. 

Trước tình hình này, anh Khải chỉ hi vọng có thể gỡ được vốn, hoặc may mắn thì dư chút đỉnh: "Thấy tình hình năm nay bán chậm lắm, người dân ít mua hơn. Lại mưa gió đủ thứ, cơn mưa bữa trước còn làm hư một số bông. Tính ra chi phí vòng vòng, mình bỏ công làm, chắc không có dư."

COVID-19, cây kiểng, ngày 10 tháng 2 năm 2021
 

Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua, nhất là với những sản phẩm hoa kiểng giá trị cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà vườn xã Phú Mỹ, huyện Mõ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cho biết đến thời điểm này (trưa 29 tết) ông chưa bán được cây mai lớn nào. So với năm trước ông chỉ mới bán được một phần rất nhỏ, chiếm chỉ 5% giá trị số mai mang lên.

Mặt hàng chủ yếu của cơ sở ông là những gốc mai lớn có giá trị từ 5 đến 10 triệu đồng nên những khó khăn về dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ mai và thu nhập của gia đình. Ông Tuấn bộc bạch:"Mùa kiểng năm nay bị ảnh hưởng Covid nên những cây mai lớn, đắt tiền bán không được. Chỉ những hàng mai nhỏ, khoảng 1-2 triệu đồng trở lại mới bán được. Mai lớn vừa cực, vừa nặng nhọc, sở phí lại cao nhưng bán không được. Tình hình năm nay bán đủ trả tiền lô (mặt bằng), tiền ghe là mừng, mà chưa chắc gì làm được." 

Tết đang đến rất gần nhưng những khó khăn của bà con nhà vườn như tăng lên theo tình hình phức tạp của dịch  bệnh. Tuy nhiên, những khó khăn này tin chắc sẽ vơi bớt phần nào khi mỗi người cùng chung tay chia sẻ.

Có như vậy, mùa hoa tết sẽ rực rỡ, tươi tắn hơn không chỉ trên từng chậu hoa chưng tết mà cả trên những gương mặt một nắng hai sương của những người mang hoa đến xuân về.