Chờ...

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án

(VOH) - Hiện TPHCM có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, 2 năm qua, do vướng mắc về pháp lý, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn...

Quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu.

Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án…

Tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sáng 22/2 do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì, Hiệp hội bất động sản TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp bất động sản nêu ra nhiều vướng mắc khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở.

Doanh nghiệp bất động sản TPHCM kiến nghị khó khăn cần tháo gỡ

Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị khó khăn với lãnh đạo thành phố.

Nêu khó khăn thực tế của doanh nghiệp khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành cho hay, dự án có quy mô hơn 2.100 căn hộ. Công ty đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành do các sở ngành đang loay hoay chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án.

Đề xuất cần làm rõ thêm việc thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với các dự án khi điều chỉnh quy hoạch, nhưng dự án đó đã được giao đất và đã có chủ trương đầu tư, ông Dương Tấn Vinh – Giám đốc khối phát triển dự án và pháp lý công vụ công ty cổ phần đầu tư Nam Long kiến nghị: “Hiện tại, quy định của chúng ta nằm ở 2 quy định, 1 là thông tư 76, hai là nghị định 123. Hai quy định này hiện tại chưa có điểm rõ ràng. Với nghị định 76, đối với các dự án đóng tiền sử dụng đất theo khung giá, thì khi điều chỉnh quy hoạch chúng ta không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên đối với nghị định 123 thì có nội dung thòng thêm 1 câu là đối với dự án khi điều chỉnh quy hoạch nếu phát sinh nghĩa vụ tài chính (nếu có) thì thực hiện. Đối với doanh nghiệp thì cũng muốn thành phố hướng dẫn cụ thể việc này. Đây là điểm mà các dự án đang thực hiện dở dang có cơ sở nhanh để triển khai tiếp”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án 2

Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận sự phối hợp giữa các sở, ngành còn lỏng lẻo, ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Phong đề nghị các sở, ngành vận dụng tối đa những quy định của pháp luật tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, điều đó đều có lợi cho cả doanh nghiệp và thành phố. Đồng thời yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực mình phụ trách. 

Riêng đối với doanh nghiệp làm dự án BT sẽ giảm lại. Ông Phong đề nghị: “Vấn đề thời gian giải quyết làm sao đẩy nhanh việc thực hiện tiến độ dự án. Nhưng mục tiêu nhắm tới là làm sao các cơ quan có trách nhiệm trong từng lĩnh vực giải quyết nhanh giùm, đẩy nhanh giùm việc triển khai thực hiện dự án. Điều đó có lợi cho doanh nghiệp và thành phố. Chúng ta là đại diện cho các cơ quan chức năng của thành phố để thực hiện việc này cùng hợp tác để xử lý, thái độ của chúng ta là cùng bàn bạc đẩy nhanh việc thực hiện dự án không để kéo dài".

Năm 2020, TPHCM dự kiến ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.