Chiều 28/7, buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn ra với sự chủ trì của ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Qua 3 ngày tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho rằng, việc yêu cầu thực hiện hạn chế tối đa ra đường sau 18 giờ hàng ngày đã được người dân thành phố, các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm.
Tuy nhiên vào khung thời gian 6 giờ sáng đến 18 giờ, vẫn còn có những nơi, những lúc có người dân ra đường, vì vậy thành phố liên tục có biện pháp, quyết liệt xử lý nghiêm cho đợt cao điểm này.
Tình hình trong những ngày qua vẫn diễn biến phức tạp, do đó nếu chúng ta không thực sự quyết tâm thực hiện đến cùng các quy định chặt chẽ của thành phố, thì thật khó kéo giảm được các ca F0, hạn chế được những thiệt hại do dịch covid gây ra:
"Để phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho người dân bị nhiễm virus Sars-CoV-2 mà trong trường hợp chưa có triệu chứng có thể tự chăm sóc được, thành phố đã ban hành các văn bản tiếp theo cùng với hướng dẫn của Sở Y tế để tạo điều kiện cho những trường hợp này có thể tổ chức hoặc là ở các khu cách ly, theo dõi hoặc một số trường hợp ở nhà, để có thể giảm tải cũng như tạo điều kiện cho người dân tự chăm sóc thì chăm sóc, phát huy tình thần tự chủ, tăng khả năng ứng phó với dịch bệnh của người dân thành phố.
Thành phố cũng đã nỗ lực tìm kiếm các phương thức để tăng sức đề kháng, tăng thể lực sức khoẻ, hướng dẫn để người dân tự bồi bổ sức khoẻ, giữ gìn để có thể có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh".
Về danh mục các hàng hoá thiết yếu và việc vận chuyển các hàng hóa này về TPHCM có khó khăn không, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, thời gian qua các cơ quan kiểm soát ở một số nơi đánh giá mặt hàng thiết yếu tập trung vào lương thực thực phẩm nên một số hàng hoá tiêu dùng thiết yếu đối với cá nhân cũng có thể chưa được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hoá.
"Sở Công Thương tích cực phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố để có tham mưu sớm cho lãnh đạo thành phố, để thống nhất cho các đơn vị có linh động giải quyết cho các trường hợp hàng hoá lưu thông đưa vào thành phố. Các nội dung liên quan đến danh mục các mặt hàng này, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn tương đối đầy đủ, chỉ có yêu cầu thêm các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để bổ sung. Chúng tôi đang gấp rút triển khai để có danh mục này, báo cáo Uỷ ban nhân dân TPHCM cũng như thống nhất trong các đơn vị liên quan, chủ yếu là giao thông, công an để hỗ trợ cho công tác lưu thông hàng hoá thuận lợi hơn", ông Nguyên Phương cho biết thêm.
Tại buổi họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhận xét, trong những ngày qua, qua các tối, người dân thành phố đã đồng tình, ủng hộ, tuân thủ rất tốt việc không ra đường sau 18 giờ hàng ngày. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong người dân hợp tác cùng với nhau thực hiện giãn cách xã hội tốt hơn trong thời gian còn lại, đạt được mục tiêu giảm tối thiểu sự tiếp xúc, ngăn nguồn lây, chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách, đi làm tối thiểu, khuyến khích làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc đi ra đường. Đồng thời, ban chỉ đạo các cấp, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm; Mong muốn nhân dân giám sát, cộng đồng giám sát, xem lực lượng chức năng nào, nhóm dân cư nào chưa thực hiện đúng có thể phản ánh qua đường dây nóng 1022 để thành phố xử lý nghiêm: "Với tinh thần phải thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, từng người dân, tổ chức thực hiện nghiêm và chúng tôi thấy rằng ý thức của từng người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Chính ý thức thực hiện nghiêm, chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định cho việc giãn cách được triệt để và mang lại kết quả. Rất mong từng người, cơ quan, lực lượng chức năng cùng nhau thực hiện tốt, ít nhất từ đây đế ngày 1/8 để có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh".
Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện giãn cách, đến lúc này thì việc đáp ứng hàng hoá cho người dân tương đối bảo đảm. Tuy nhiên không chủ quan mà phải tiếp tục đưa hàng về tận xã, phường, thị trấn. Các điểm cung ứng hàng bảo đảm nhu cầu của người dân với phương thức đặt hàng online, ngày hôm trước, hôm sau có; mua hàng cho 3 ngày hoặc 1 tuần; các hình thức đi chợ thay tại các khu phong toả… để làm sao đảm bảo được lượng cung ứng cơ bản, tối thiểu cho người dân.
Đây là những việc mà lãnh đạo Thành phố cho rằng, càng kéo dài giãn cách, càng thực hiện giãn cách triệt để thì việc này càng phải được đảm bảo, như thế người dân mới yên tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết về việc cung ứng hàng hoá của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) sau khi giảm hoạt động: Hiện nay, nguồn cung thịt gia súc cho thành phố thông thường đạt 10.000 con heo một ngày, trong những ngày khi áp dụng chỉ thị 16, các hoạt động giảm xuống và lượng tiêu thụ thịt gia súc cũng giảm rất nhiều, và hiện nay ở mức từ 5.000 đến 6.000 con heo một ngày, có những thời điểm chỉ có 4.500 con heo.
Bên cạnh Vissan còn rất nhiều hệ thống phân phối, các nhà cung cấp khác, trong đó có Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP, Masan, CJ, Anh Hoàng Thy… Như vậy, khi Vissan tạm ngưng cung cấp mặt hàng thịt heo,các đơn vị kịp thời cung ứng, bổ sung bằng các nguồn hàng của các nhà cung cấp khác.