TPHCM hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo 1,5 triệu đồng/hộ/lần

(VOH) - Chiều 5/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi dự và chỉ đạo.

thanh-pho-tap-trung-vao-chien-dich-de-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-voh.com.vn-anh1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: SGGP)

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin: TPHCM đã và đang mở chiến dịch tiêm vaccine cho người dân, kể cả người nước ngoài làm việc sinh sống tại thành phố qua cơ quan lãnh sự tại Thành phố, và cân đối giữa các đối tượng ưu tiên cũng như tốc độ tiêm của Thành phố tăng trưởng qua các ngày. Ông Dương Anh Đức cũng cho biết về công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thì hỗ trợ trực tiếp 1,5 triệu đồng/hộ/lần, trong đó nguồn ngân sách là 1 triệu đồng, nguồn xã hội hóa từ Mặt trận tổ quốc là 500.000 đồng.

"Sẽ có 90.585 hộ được hưởng chính sách này. Trong đó gồm có 52.561 hộ nghèo, 38.024 hộ cận nghèo. Tất cả các hộ nào thuộc đối tượng này, dù có nhiều hơn số này thì Thành phố cũng sẽ triển khai hỗ trợ. Tức là hỗ trợ theo đối tượng không giới hạn theo số lượng. Số lượng các hộ gia đình trong các khu nhà trọ khu lưu trú công nhân khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa, thì dự kiến 170 ngàn hộ, dự toán số kinh phí hỗ trợ cho đối tượng này ở đợt này là hơn 390 tỷ đồng", ông Dương Anh Đức cho biết thêm.

Về vấn đề mở lại các chợ, phục vụ thực phẩm cho người dân, Thành phố thực hiện theo quy trình đảm bảo an toàn, cung cấp nguồn vào đến bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển. Từng khâu độc lập, không có sự tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương nói: "Mô hình này là điểm bán thực phẩm tươi sống đảm bảo an toàn, và đã được Sở Công Thương hướng dẫn bằng mô hình, bằng phương án rất cụ thể. Trong đó có các qui định chặt chẽ trong phòng chống dịch".

Cũng tại buổi họp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng có thông tin thêm, trên địa bàn thành phố, khi có bệnh nhân tử vong thì được hỏa táng và không có việc tăng giá và ngưng tiếp nhận các trường hợp có yêu cầu hỏa táng. "Sở Tài nguyên – Môi trường cũng có hướng dẫn đến các bệnh viện hoặc các đơn vị mà khi có trường hợp người nhiễm bệnh bị mất mà người thân ở khu cách ly hoặc không có người thân, thì chúng ta cũng xử lí đối với trường hợp này theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế. Đối với trường hợp này thì tro cốt sẽ được công ty môi trường đô thị lưu giữ, và gửi tại điểm lưu giữ của công ty môi trường đô thị và có dán đầy đủ tên họ cũng như ngày mất. Sau đó thông tin về đến gia đình, khi nào gia đình đầy đủ điều kiện sẽ đến trao tro cốt và thực hiện rất trang nghiêm và trân trọng", ông Thắng thông tin.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao ý thức chấp hành Chỉ thị 16 của bà con trong thời gian qua. Các chốt tự quản, cộng đồng tự quản, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn đã được nhân rộng từ sự tập trung, có nhiều biện pháp tốt, từ nhiều nỗ lực của người dân. Đồng thời, các hoạt động chăm lo đời sống người dân cũng như điều trị bệnh đã đi vào nền nếp, vận hành bài bản.

"Thành phố đang tập trung vào chiến dịch để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo lương thực thực phẩm cho thành phố. Tất cả người dân đang có mặt ở Thành phố lúc này nếu khó khăn về lương thực thực phẩm thì thành phố sẽ cung cấp lương thực thực phẩm cho bà con, không phải trong một tuần mà trong nhiều tuần,có thể trong nhiều tháng sắp tới nếu tình hình còn tiếp tục khó khăn. Bằng nhiều nguồn mà trước hết là nguồn vận động mà bà con trong thành phố góp lại giúp nhau. Nguồn hỗ trợ từ bà con trong cả nước và cả bằng ngân sách. Chúng tôi sẵn sàng trích các quỹ về gạo, lương thực thực phẩm hỗ trợ cho bà con khi cần thiết", Phó Bí thư thường trực Thành ủy kết luận.