Thành phố Thủ Đức xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với đặc trưng của địa phương

(VOH) - ​​​​​​​Chiều 26/5, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu chủ trì hội nghị góp ý kế hoạch xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của Tp Thủ Đức

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và nguyên lãnh đạo TPHCM các thời kỳ.

Theo kế hoạch Thành ủy Thủ Đức sẽ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của thành phố Thủ Đức, qua đó thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Thủ Đức đối với công lao to lớn của Bác.  Theo đó nội dung xây dựng không gian văn hóa phải bắt đầu từ các chi bộ, khu phố, các tổ chức đoàn, hội, kể cả doanh nghiệp trên địa bàn. Phạm vi xây dựng không gian văn hóa phù hợp với các tầng lớp nhân dân, thể hiện nét đặc trưng văn hóa, hình ảnh TPHCM, thành phố Thủ Đức trong mỗi người dân. Đánh giá cao kế hoạch của Thành ủy Thủ Đức khá hoàn thiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TPHCM góp thêm ý kiến: “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là làm sao chuyển tải được tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác vào trong không gian sống của đô thị mà cụ thể ở đây là thành phố Thủ Đức. Việc xây dựng cần đảm bảo các yếu tố: con người, môi trường, các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa”.

Thành phố Thủ Đức xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với đặc trưng của địa phương 1
Ảnh: Anh Tuấn

Thành phố Thủ Đức sẽ chọn một số chi bộ, đảng bộ, một số điểm trường làm điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Liên kết tổ chức mô hình đường sách và phát triển văn hóa đọc sách với đa dạng loại sách, nguồn sách, tác giả, tác phẩm…, qua đó lan tỏa thói quen đọc sách, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc giới thiệu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu. Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM thì trong quá trình triển khai cần có giải pháp để người dân tham gia, cùng làm nên những không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ ở khu phố, bệnh viện, trường học để mọi người cảm nhận rõ hơn về giá trị của từng công trình. “Mình tuyên truyền làm sao cho người dân thấm sâu, cần thiết thì người dân cùng làm nên những công trình. Đó là công viên nhỏ, công trình nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Những công trình người ta làm thì người ta sẽ gìn giữ, phát huy và những giá trị của Bác sẽ ăn rất sâu trong mỗi người dân”, bà Phạm Phương Thảo góp ý.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, tuy không mang tên gọi là “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhưng các đơn vị trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để hiểu, nhận thức và cụ thể hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh, yếu tố văn hóa là yếu tố lâu dài và bền vững, mang tính tiêu biểu, thành phố Thủ Đức đã xác định thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2022 đến 2025. Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng việc xây dựng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là việc làm lâu dài, làm bằng trách nhiệm, tình cảm của từng cán bộ, đảng viên và cả người dân. Phải cố gắng bằng tình cảm, trách nhiệm và thông qua chương trình này sẽ lan tỏa được. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị tham gia, không phải riêng cấp ủy Thành phố phải xuống tận khu dân cư, khu phố, người dân, cán bộ, đảng viên cùng chung nhận thức, cùng chung tay xây dựng thành phố Thủ Đức”, ông Hiếu nói.

Thành ủy Thủ Đức đã xác định mục đích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Thủ Đức, giữ gìn một di sản văn hóa phi vật thể - địa danh lâu đời quen thuộc và có giá trị lịch sử đối với vùng đất Gia Định xưa, với nhiều di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng quốc gia và nhiều di tích cấp TPHCM, đây là bước đột phá về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.