Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí ở những đô thị lớn

​​​​​​​(VOH) – Ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, Việt Nam có hơn 34.000 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí…

Đây là con số thống kê của Liên Hợp quốc được nêu tại Hội thảo quốc tế “Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp Tạp chí Kiến trúc tổ chức tại TPHCM vào sáng 14/11.

Tại TPHCM và Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Các chuyên gia, Kiến trúc sư nêu thực trạng và bàn giải pháp cải thiện chất lượng không khí ở những đô thị lớn. 

Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ nguồn tại chỗ như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ô tô, xe máy thải ra.

“Chúng ta thải ra môi trường một lượng carbonic rất cao, từ các phương tiện giao thông…Ngoài ra, mỗi dân tộc đều có những tập quán thải ra những chất đó. Ví dụ như bún thịt nướng. Tôi cho rằng một tiệm bún thịt nướng thải ra lượng thải trong một ngày còn gấp mấy chục lần khói xe hơi, xe tải, cũng là góp phần vào câu chuyện này”, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM nhìn nhận.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho rằng, đối với cửa hàng bún thịt nướng, phải làm ống khói cao 20 thước để bớt lượng khói xả trực tiếp vào nhà dân gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở khi cho rằng, GDP tăng trưởng càng cao thì cũng tương đương với lượng chất thải ra môi trường ngày càng nhiều. Đây cũng là thực trạng trong phát triển kinh tế.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Bộ Xây dựng cũng đưa ra cảnh báo về hội chứng nhà kín và nhà kính, mật độ xây dựng, dân số và cư trú, với 18 kg khí/người/ngày, thì chúng ta phải chia sẻ khối tích đó. Mặt khác, lượng lưu thông về giao thông giữa hai thành phố lớn ở TPHCM và Hà Nội chiếm dụng bầu không khí rất lớn. Người dân ven đô thị khi thu hoạch mùa màng, đốt đồng, cũng góp phần tạo ô nhiễm bầu không khí chung. Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng cho hay, chúng ta đã có chủ trương chung di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô, nhưng phần lớn chưa thực hiện, hoặc có thực hiện thì việc trả lại nơi chốn đó cũng sử dụng không đúng mục đích cho những cảnh quan chung của đô thị.

“Không phải đơn thuần dùng các máy để tạo ra không khí sạch hơn, mà vấn đề là tiêu thụ năng lượng điện. Tức là cuộc sống phải chi thêm phần phí cho việc này nữa. Từ nhà ở riêng lẻ đến các căn hộ ở chúng ta đều có sự can thiệp của máy móc, trang thiết bị… Nói như thế để chúng ta thấy rằng, không khí trong đô thị của Việt Nam hết sức ô nhiễm”, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng nói.

Về giải pháp, Tiến sĩ Khoa học, Kiến Trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, đối với các đô thị lớn, cả về quy hoạch lẫn kiến trúc cần có sự thay đổi, cần có công nghệ hỗ trợ để chúng ta có thể sống chung với mật độ dân số và xây dựng cao, giải pháp thông thoáng ánh sáng tự nhiên, quy hoạch trồng nhiều cây xanh vẫn khả thi nhưng chỉ phù hợp với đô thị nhỏ, còn với đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, ông cho rằng tới đây, về thực trạng chúng ta phải có giải pháp bao trùm từ quy hoạch, kiến trúc, nội thất…cần làm sao để gia tăng chất lượng không khí ngoài nhà một cách tự nhiên. "Tôi cũng rất muốn người dân mở cửa ra đón gió, thay đổi không khí", ông Sơn nói. 

Bình luận