TPHCM – 73 năm lan tỏa nghĩa tình

(VOH) - Cùng với cả nước, 73 năm qua, TPHCM đã không quên công ơn của các thế hệ đi trước, luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu phải chăm lo chu đáo cho người có công với lòng biết ơn vô hạn.

Bằng những việc làm ý nghĩa đó, các đối tượng chính sách, người có công thêm ấm lòng, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công; thành phố đã có thêm 136.349 đối tượng hưởng chính sách được công nhận mới, trong đó có 3.185 trường hợp được công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 327 Mẹ được phong tặng và 2.858 Mẹ được truy tặng (hiện nay còn 185 mẹ sống). Hiện thành phố có 42.719 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí trên 72 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, từ ngân sách thành phố còn chăm lo cho một số các đối tượng như: thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mức 2.000.000đ/người/tháng.

Bà Hoàng Thị Khánh –Trưởng ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM cho biết, các ban ngành liên quan của thành phố vẫn đang nỗ lực tìm kiếm để tiếp tục chăm lo cho các đối tượng bị mất hồ sơ gốc và cơ sở kháng chiến: "Chúng tôi rất hài lòng với những việc làm của thành phố. Hàng năm đối với lực lượng cựu tù nói chung thì các chính sách, chế độ của nhà nước thực hiện rất chu đáo, đầy đủ. Còn lại một số cơ sở cách mạng bị bắt bị tù đày chưa được công nhận tù đày, chưa có chế độ chính sách đối với lực lượng này thì Ban liên lạc Cựu tù phối hợp thật chặt với Sở LĐ-TB và XH tích cực đi sưu tra, tìm kiếm hồ sơ gốc để lo cho các anh các chị".

Tính từ năm 2005 đến nay, toàn thành phố đã vận động các cơ quan, ban ngành và nhân dân ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 156 tỷ đồng, xây mới 1.555 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 66 tỷ đồng và 1.315 căn nhà tình thương cho diện chính sách với kinh phí trên 40 tỷ đồng, sửa chữa chống dột cho 4.543 căn nhà của diện chính sách với tổng kinh phí gần 53 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công về nhà ở; đến nay, thành phố đã triển khai và thực hiện được 2.314 căn (trong đó: sửa chữa cho 2.027 căn và xây mới 287 căn); với tổng kinh phí là gần 102 tỷ đồng.

TPHCM – 73 năm lan tỏa nghĩa tình

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong cùng đoàn lãnh đạo TPHCM viếng Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện ngụ tại Thành phố Vũng Tàu, ông bị địch bắt và giam cầm ở trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo) khi vừa tròn 20 tuổi, nơi được coi là “địa ngục trần gian” của chế độ lao tù Mỹ - Ngụy. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày giải phóng Côn Đảo (30-4-1975). Ông Châu Văn Mẫn đã tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong suốt 7 năm. Sau đó, được chuyển về công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rồi giữ chức Giám đốc, là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội khóa X (1995 - 2000). Từ cuối năm 2000, ông  được điều động về Bộ Công an làm việc. Nhắc đến công tác đền ơn đáp nghĩa của TPHCM, ông cho biết: "Thấy lãnh đạo thành phố ra tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là việc làm để tri ân và cũng để cho con cháu thấy sự hy sinh của cha ông để tiếp tục con đường của cha ông đi trước. TPHCM tổ chức quá tốt và cũng chưa nơi nào tổ chức được như thế này. Thành phố không chỉ chăm lo tốt chính sách ở địa phương mà còn vươn ra hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện và tổ chức những sinh hoạt rất tốt, rất quý để dẫn dắt các tỉnh, thành khác noi gương TPHCM làm".

Có thể nói dù thành phố làm tốt đến đâu thì đến nay vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ đang nằm lại đâu đó trên các chiến trường xưa. Các cơ quan ban ngành, thân nhân, đồng đội và thế hệ hôm nay vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng lòng biết ơn vô hạn. Cùng tâm nguyện đưa hài cốt các liệt sĩ về với đất mẹ ấm áp. Ông Phùng Thế Vinh – Trưởng Ban Tuyên giáo – Hội Cựu chiến binh TPHCM còn trăn trở: "Tất cả các cấp chính quyền đều chăm lo rất có trách nhiệm và hiệu quả đối với người có công. Sự ưu đãi của nhà nước chăm lo với các chế độ có công này góp phần tích cực làm vơi đi nỗi đau, nỗi mất mát rất lớn của thân nhân các liệt sỹ và bản thân những thương binh, bệnh binh. Cái đau đáu của TPHCM là còn khá nhiều chiến sĩ hy sinh mà chưa lấy được hài cốt. Phải làm sao tìm được hết để đưa về với gia đình, với đất mẹ thì mới yên tâm được".

Bác sĩ Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Long Đất - nơi đang điều trị cho 58 thương bệnh binh của cả nước đánh giá: những năm qua, các hoạt động và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức ngày càng sâu rộng, hiệu quả thiết thực. TPHCM cũng góp phần không nhỏ trong nỗ lực tìm kiếm, giải quyết các chế độ chính sách cho người bị địch bắt tù đày. Đồng thời còn chăm lo cho những thương bệnh binh, gia đình chính sách còn khó khăn ở các tỉnh, thành khác: "TPHCM luôn luôn quan tâm đến các bác thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Long Đất, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các bác tại trung tâm, tình cảm và sự quan tâm của TPHCM giúp cho các bác yên tâm điều trị, điều dưỡng, vượt qua nỗi đau của thương tật và bệnh tật. Đặc biệt là cái tình cảm rất trên trọng của thành phố đối với các bác thương bệnh binh nói riêng và người có công nói chung. Với tình cảm và sự quan tâm như thế nên các bác thương bệnh binh cũng rất trân trọng tình cảm đó".

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Năm nay, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, thành phố dành tổng kinh phí cho các hoạt động trong đợt 27-7 là hơn 78 tỷ đồng. Các mức quà tặng lần lượt là 2,5 triệu đồng, 1,5 triệu đồng và 1 triệu đồng. Ngoài ra TPHCM cũng tổ chức đi thăm, tặng quà 7 Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công trong cả nước. Đặc biệt, thành phố vừa tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): "Đền ơn đáp nghĩa không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn ra phạm vi của các tỉnh, thành của cả nước. Tôi cho đây là một điều rất ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa của chúng ta đối với những anh em chiến sĩ đã hy sinh. Hàng năm, TP tổ chức nhiều đoàn để đi thăm các tỉnh và nhất là các tỉnh phía Bắc, các tỉnh ở miền núi để thăm những trung tâm điều dưỡng thương binh, những nghĩa trang liệt sĩ để hỗ trợ chung và để thực hiện tốt trong thời gian tới".

Bằng những việc làm nghĩa tình của toàn thể nhân dân thành phố, đã thể hiện tình cảm, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, mất mát của các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, các đối tượng chính sách trên địa bàn cũng như ngoài địa bàn. Hoạt động này không chỉ góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước.

Lãnh đạo TPHCM viếng Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương - Đoàn lãnh đạo TPHCM viếng Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương và Đền thờ liệt sĩ Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Bài, ảnh: Phương Dung

Bình luận