Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động…Đó là những con số được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM” trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay vào sáng 3/10. Từ đó cho thấy sự tác động của dịch bệnh là rất lớn đối với kinh tế thành phố.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, giữa tháng 8 vừa qua, Hiệp hội đã tiến hành cuộc khảo sát với trên 100 doanh nghiệp. Theo đó, 44% doanh nghiệp nói họ còn khó khăn nghiêm trọng và 40% doanh nghiệp đang trong tình trạng rất khó khăn.
Đáng lưu ý, có đến 76% doanh nghiệp được hỏi phản ánh chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ và hầu như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của chính phủ. Ông Dũng cho hay, doanh nghiệp cho biết chi phí để chuẩn bị, đáp ứng được các điều kiện, thủ tục để được vay ưu đãi còn cao hơn số được hưởng và triển khai quá chậm nên hầu như họ không tham gia. Ước tính, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được khoảng 20% tổng gói hỗ trợ.
Theo ông Chu Tiến Dũng, mong muốn lớn nhất và được doanh nghiệp trông chờ nhiều nhất là ngân hàng mạnh dạn mở rộng, nới lỏng các điều kiện cho vay, thủ tục cho vay thuận lợi hơn, đặc biệt là quan tâm hơn tới hình thức cho vay tín chấp, thẩm định phương án kinh doanh, quản lý các dòng tiền và nguồn vốn để nâng cao khả năng tiếp cận của khách hàng. “Bởi vì có rất nhiều doanh nghiệp có tiềm năng nhưng không phải doanh nghiệp cũng có nhiều tài sản để thế chấp, đặc biệt là những ngành du lịch, dịch vụ thì khó có tài sản thế chấp”, ông Dũng giải thích.
Ở góc độ là doanh nghiệp xây dựng, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, Việt Nam là sự lựa chọn tối ưu với một số loại công trình khi chúng ta đã có giá cạnh tranh hơn, chất lượng và tiến độ đảm bảo hơn, đặc biệt khi dịch Covid qua đi, Việt Nam và nhiều nước khác sẽ lấy xây dựng làm đòn bẩy để khôi phục kinh tế dựa vào 3 lý do: Thứ nhất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; Thứ hai, nhu cầu thay thế nhà thầu Trung Quốc trên thị trường xây dựng quốc tế; Thứ ba, nhu cầu lấy xây dựng để khôi phục kinh tế sau dịch.
Theo đánh giá của ông Lê Viết Hải, đây là cơ hội rất quý giá cho ngành xây dựng Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này, nhanh chóng huy động mọi nguồn lực, các nguồn lực bao gồm các công ty xây dựng tổng hợp, các chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên quan trong ngành xây dựng. “Tất cả cần nỗ lực rất lớn, phát triển mạnh mẽ để cùng ra biển rộng. Sự hợp tác giữa các công ty xây dựng, tư vấn thiết kế, quản lý dự án, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, đơn vị thi công, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà thầu phụ chuyên ngành, các công ty logistics…cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên toàn thế giới”, ông Hải phát biểu.
Lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, chuyên gia, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, các doanh nghiệp thành phố vẫn còn sức sống mãnh liệt. Đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, cùng với đó có hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Do đó, phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm; đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “doanh nghiệp không bị phá sản thì doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi” và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong mong muốn các doanh nghiệp tăng cường liên kết để 438.000 doanh nghiệp tạo thành một khối thống nhất, trở thành nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hiến kế các chính sách để thành phố, trung ương ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Các giải pháp phát triển kinh tế để không bị đứt gãy, bảo đảm việc làm cho người lao động để có sự tăng trưởng cần thiết. “Với 300 ngàn doanh nghiệp, thì phải có số doanh nghiệp đăng ký 2% có số vốn 100 tỷ đồng trở lên, còn số có 1.000 tỷ đồng trở lên thì chưa tới 1.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp chúng ta chiếm 50% doanh nghiệp cả nước, là một trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, nếu chúng ta không chú ý để xây dựng những tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, khẳng định được thương hiệu là chúng ta đã thiếu sót”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp bàn về giải pháp khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19 – Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.