Năm 2016 và 2017 TPHCM xếp hạng 8, năm 2018 hạng 10 và 2019 là hạng 14. Điều này cho thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TPHCM chưa đủ mạnh, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trong bối cảnh hậu Covid-19, đây là vấn đề cần phải quan tâm và cải thiện để giúp TPHCM có thể hoàn thành mục tiêu kép trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ kết nối doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu đầu tư phát triển Đông Nam Á gửi đề xuất đến Ủy ban nhân dân TPHCM thông qua chuyên mục Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển.
Nghe nội dung chia sẻ
“Những chính sách, định hướng, giải pháp trong năm 2022.
Đầu tiên, tôi đề nghị có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong các nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các nhóm ngành khác.
Thứ hai, về triển khai chương trình chuyển đổi số phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là rất cần thiết thời gian sắp tới.
Thứ ba, xúc tiến đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa quy mô lớn, có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp sản xuất trong nước; Đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động, đáp ứng nhu cầu mua sắm cá nhân, tập trung phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại, kết hợp với đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn. Nếu chúng ta có tổ chức hoặc có trung tâm, những giải pháp về chuyển đổi số hoặc những trung tâm phân phối hàng hóa chắc chắn rằng việc lưu thông hàng hóa sẽ tốt hơn.
Trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục xảy ra thì chúng ta cũng có một cơ chế ứng phó làm sao để tránh các trường hợp các doanh nghiệp đã gặp phải trong thời gian vừa qua.
Thứ tư là xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực của TPHCM nhằm thu hút khách đến thành phố, phát triển mạnh du lịch nội địa trong điều kiện du lịch quốc tế gặp khó khăn.
Hiện nay, số các cửa hàng, nhà hàng, kể cả du lịch khách sạn đang bị đóng cửa rất nhiều. Nếu có những giải pháp hoặc biện pháp khuyến khích thì chắc chắn đến 90% họ sẽ quay lại.
Tôi lấy ví dụ về các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp quay lại thì sẽ như thế nào và chính sách về thuế, thu hút, hỗ trợ hay bất kể chính sách gì mà lãnh đạo thành phố có thể hỗ trợ được - tôi tha thiết mong lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu, từ quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về phần giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì tôi xin có một số ý kiến như sau: Số liệu vừa công bố thì tính đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt được 28,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 25% so với 2019. Chi phí không chính thức là rào cản lớn nhất.
Đây là "nút thắt" mà chúng ta cần phải tháo gỡ càng sớm càng tốt bằng nhiều biện pháp: chuyển đổi số, cải cách hành chính để thu hút dòng vốn trong thời gian sắp tới. Nếu chúng ta không thu hút, chúng ta không có biện pháp thì sẽ đẩy dòng vốn qua các nước khác.
Hiện nay, chúng ta có nhiều nhà đầu tư, tôi nghĩ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nên có những chính sách khác nhau áp dụng với từng quốc gia khác nhau.
Tôi lấy ví dụ văn hóa của đầu tư của Nhật Bản thì khác hoàn toàn so với Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng ta có những thiết kế hoặc những bộ phận mà xúc tiến nhanh. Họ cần hỏi nhanh, đáp ứng nhanh.
Một vấn đề nữa để thu hút FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao, còn những ngành ít vốn công nghệ thấp thì huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước, nếu có đi nhanh thì bên Việt Nam là đối tác chính.
Lý do tại sao tôi nhấn mạnh, bởi vì chúng ta nên thu hút các đầu tư ngành nghề có chất xám cao, thí dụ như công nghệ bán dẫn từ Đài Loan. Nếu chúng ta có thể thu hút được các ngành có công nghệ cao vào các khu chế xuất thì chúng ta nên có chính sách ưu đãi đặc biệt, tránh đưa các công nghệ thủ công vào các khu công nghiệp thì sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Nói đến giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TPHCM tăng điểm nhưng không nhiều, tôi có một số đóng góp như sau.
Thứ nhất là cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính về đất đai. Theo tôi được biết là trong một, hai năm vừa qua, các giấy phép xây dựng đất lại được ít cấp.
Thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tránh tình trạng qua nhiều khâu làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Xây dựng, triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến phục vụ công tác đầu tư của tổ chức và doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hải quan xuất nhập khẩu.
Mong lãnh đạo TPHCM có một bộ phận chuyên xử lý các trường hợp gặp khó khăn cho các doanh nghiệp".