Chờ...

TPHCM công bố chương trình chuyển đổi số, đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh

(VOH) - Sáng 22/7, Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố, TPHCM có tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Thành phố đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau, tỷ lệ giải quyết hồ sơ theo dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho đến năm 2025 phải đạt tối thiểu là 50% trở lên, trong đó 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc thực hiện các thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp phải được số hóa toàn bộ và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu của thành phố. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Các dịch vụ mạng di động 4G/5G phải được phổ biến trên toàn lãnh thổ.

Sau đó 5 năm, nâng toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Đối với việc phát triển được chương trình chuyển đổi số toàn diện thì ông Dương Anh Đức cho rằng, cần có những giải pháp, nền tảng, đầu tiên hết thì phải tạo ra cho mọi người dân, các công chức, nhà lãnh đạo phải có ý thức và nhận thức thật là tốt về sự cần thiết, mức độ quan trọng của việc chuyển đổi số. Do đó, việc tuyên truyền, tăng cường sự tham gia của người dân cũng như tổ chức các việc cung cấp thông tin, để mọi người hiểu thế nào là chuyển đổi số, tại sao chúng ta phải chuyển đổi số và về cơ bản chuyển đổi số phải làm những gì thì sẽ được tổ chức thường xuyên và liên tục. "Để thực hiện số hóa được các chương trình chuyển đổi số cụ thể, thì chúng ta phải phát triển hạ tầng số phù hợp, đây là những nhiệm vụ sẽ phải triển khai. Hiện nay TPHCM cũng đã triển khai một phần hệ thống này", ông Đức thông tin.

 Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong  cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị

 Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong  cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học thành phố (HCA) cho rằng, chuyển đổi số không phải một cụm từ hoa mỹ, sáo rỗng của giới công nghệ mà đây là một quá trình dài hơi đòi hỏi sự nghiêm túc về thời gian, tiền bạc và trí tuệ của bất cứ tổ chức nào khi thực hiện quá trình chuyển đổi số. Chính vì thế ông Hải Long kiến nghị, Thành phố dành tối thiểu 70% tổng số dự án liên quan đến công nghệ thông tin chuyển đổi số ưu tiên cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và có đóng thuế để phục vụ chương trình có thành phố. Thành phố yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc thành phố sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học công nghệ dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thành phố cần có cơ chế kích cầu ứng dụng danh mục giải pháp công nghệ mà hội đã xây dựng. Các dự án sử dụng vốn kích cầu phải đảm bảo một tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin nhất định, trong tổng số hỗ trợ chi phí lãi vay và xem đây như một điều kiện cho vay của thành phố. “Thành phố cần quy định rõ bất kỳ công trình nào trên địa bàn thành phố trước khi hoàn công phải nộp hồ sơ số cho cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố”, ông Lâm Hải Long đề xuất.

Còn ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố cho hay, chuyển đổi số một cuộc cách mạng đang diễn ra rất nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn cầu, doanh nghiệp của chúng ta nếu đi trước thì sẽ giành được lợi thế cạnh tranh của mình. Giai đoạn 2020-2025, các chương trình của hiệp hội sẽ tập trung trọng tâm và hướng tới là đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ông Chu Tiến Dũng đề xuất, làm sao bảo đảm hạ tầng, sẵn sàng về các điều kiện an ninh an toàn để doanh nghiệp ứng dụng, sẵn sàng về mặt chuẩn bị nguồn tài nguyên phong phú để các doanh nghiệp khi khai thác cũng như sử dụng, đồng bộ về môi trường pháp lý để bảo đảm trong quá trình kinh doanh và giao dịch của các doanh nghiệp trên môi trường số được thuận lợi, từ đó củng cố niềm tin và sẽ tham gia sâu hơn. “Đẩy mạnh chính phủ điện tử, chính quyền số là bước đi tiên phong để trở thành lực kéo, cũng như lực hút để cho các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số thuận lợi, cũng như các điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia tích cực các hoạt động chuyển đổi số”, ông Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Chương trình chuyển đổi số cần xem rõ mục tiêu là gì, cuối cùng năng suất lao động có tăng không – đó mới là mục tiêu. Vì nếu các nhà quản trị hành chính không thấy rằng số hóa tài nguyên của mình, năng suất tăng, thì không có động lực để làm. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị có một trung tâm giới thiệu giải pháp và thông minh của các doanh nghiệp, có một phòng giới thiệu ảo, có kết nối với các doanh nghiệp tự động hóa của thành phố để nhìn thấy ngay giải pháp thông minh là gì. “Nên đặt mục tiêu tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này, trung bình tiên tiến thế giới phải là 1% chi ngân sách, chúng ta nên có định hướng với những sản phẩm chủ lực, lĩnh vực trọng tâm thì chi ngân sách phải có mức độ tương xứng”, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh, chuyển đổi số có vai trò quan trọng đối sự phát triển kinh tế xã hội. Tại Việt Nam Việt Nam nói chung và TPHCM mói riêng, với nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế số, thị trường mới nổi, tăng trưởng bình quân 40% mỗi năm và có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết đối với chính quyền số, thành phố tích hợp nhiều dịch vụ và số hóa dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ ra quyết định dựa trên xử lý dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn thành phố. Ngoài ra, Thành phố sẽ đẩy mạnh kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên dữ liệu, giúp người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, sử dụng, cập nhật thông tin để phục vụ cho cuộc sống, công việc kinh doanh và đầu tư. Đối với kinh tế số, thành phố tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm của thành phố, cùng với đó thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để mà phục vụ cho xã hội và chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đây cũng là cơ hội hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian sắp tới.

Bá Nam

Mỹ truy tố hacker người Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu về Covid-19 - (VOH) - Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh truy tố hai hacker người Trung Quốc vì đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vắc-xin Covid-19, đồng thời cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đứng sau các hành vi phạm tội này.