Chờ...

TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á

TPHCM - Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự khai mạc Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững”.

Tham dự diễn đàn còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; 40 đoàn địa phương và bộ, ngành quốc tế cùng chuyên gia đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary và Uruguay.

ong-nguyen-van-nen-250924
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2024 - Ảnh: Lệ Loan

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, công nghiệp được Thành phố xác định giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác.

Vì vậy, đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Với vai trò của một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ năng động, sáng tạo đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, TPHCM đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Để đạt được mục tiêu chiến lược, Bí thư Thành ủy cho biết, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, TPHCM chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm. Chuyển đổi công nghiệp là động lực chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.

Trước mắt, TPHCM tập trung vượt qua ba thử thách lớn, đó là nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ, môi trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cải cách thể chế, thủ tục hành chính và có những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động và phát triển.

Giải quyết những thách thức trong phát triển kinh tế TPHCM

Lĩnh vực công nghiệp của TPHCM đang có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn làm suy yếu vai trò trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong khi đó, chuyển đổi số và các ứng dụng của Cách mạng Công nghiệp 4.0, như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc sản xuất thông minh, kết hợp sản xuất và vận hành thực tế với công nghệ kỹ thuật số, máy học và Dữ liệu lớn (Big Data) để tạo nên hệ sinh thái giúp các doanh nghiệp kết nối tốt hơn và bao quát hơn trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.

Xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đặt ra các tiêu chuẩn về hàng hóa và dịch vụ ngày càng cao, mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TPHCM nói riêng không thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, một chiến lược cốt lõi với tư duy đột phá nhằm chuyển đổi công nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tiến sĩ Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, TPHCM cần triển khai chuyển đổi kép, nghĩa là chuyển đổi công nghiệp trên nền tảng xanh và số.

Trong đó, chuyển đổi xanh dựa trên 4 trụ cột là: đầu tư phi carbon, mua bán tín chỉ carbon và dịch vụ liên quan, tăng khả năng chống chịu, thích ứng biến đổi khí hậu và cuối cùng là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về chuyển đổi số, ông An đề xuất xây dựng các nền tảng tích hợp hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh, ứng dụng số, cải thiện năng suất và hiệu quả các ngành trọng điểm phát triển các ngành, nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng, sản xuất và phát triển ngành công nghiệp công nghệ mang tính chiến lược

Đối với chuyển đổi trong ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong công nghiệp tầm nhìn 2050, TPHCM sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước và trong khu vực châu Á.

Để làm được điều đó, Tiến sĩ Phạm Bình An cho rằng, thứ nhất TPHCM cần phát triển các ngành công nghiệp chủ lực làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái ngành. Thứ hai, cần phát triển 4 ngành công nghiệp tiềm năng, trong đó công nghệ sinh hóa dược phẩm, công nghệ bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ trong công nghệ cao.

Đồng thời, cần duy trì và tái cấu trúc, tái cơ cấu công nghiệp phát triển đối với các phân khúc có giá trị gia tăng cao, hiện đại; nâng cao hiệu quả thương mại đối với các ngành truyền thống như da giày, dệt may ở nội thất, gỗ và các ngành khác; phát triển hệ sinh thái các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp như logistics, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu, thiết kế.