Theo kế hoạch, TPHCM sẽ phát triển các tuyến vận tải, hành khách, du lịch, kết hợp với sản phẩm du lịch trên sông Sài Gòn: tuyến Bạch Đằng đi Quận 7, huyện Nhà Bè; tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới; tuyến Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi và các tuyến vận tải hành khách, du lịch liên tỉnh.
Thành phố đầu tư đưa vào khai thác 12 vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ vận tải hành khách, du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ.
Xây dựng, phát triển các cảng, bến và khu vực cho neo đậu phương tiện ở bến Bạch Đằng và Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, Sở Du lịch đồng tình và ủng hộ với kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023- 2025, đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy.
Bà Hiếu cho hay: “Chúng ta không chỉ tập trung vào các sản phẩm du lịch trên sông Sài Gòn, trong khi các tuyến kênh nội đô thành phố cũng rất đẹp, hấp dẫn. Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước để khai thác, tiếp tục phát triển thêm các tuyến mới để có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới.”
Định hướng phát triển đường thủy gắn với hoạt động du lịch ở TPHCM, đặc biệt khu vực bến Bạch Đằng, quận 1, nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp vận tải, du lịch.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật - đơn vị đang khai thác buýt sông cho rằng vấn đề hạ tầng là mấu chốt, đóng vai trò quyết định để triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thì hạ tầng đang bị vướng và thủ tục rất phức tạp.
Ông Toản kiến nghị: "Muốn phát triển di sản Sài Gòn – TPHCM 300 năm “trên bến dưới thuyền” phải coi trọng yếu tố "bến tàu". Mà là "bến tàu" thì phải xuyên suốt từ Ba Son đến cột cờ Thủ Ngữ. Lúc đó, tàu bè mới nhiều và đông đúc được.”
Phó chủ tịch UBND Huyện Cần Giờ - ông Trương Tiến Triển đề nghị xem xét mở thêm tuyến buýt đường thủy từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Cần Giờ vừa có thể phục vụ du lịch.
Ông Triển cũng kiến nghị Sở GTVT đẩy nhanh các thủ tục triển khai tuyến phà kết nối Cần Giờ đi thị Trấn Vàm Láng, Tiền Giang, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Đông, Tây Nam bộ.
Phà Bình Khánh kiến nghị nâng cao năng lực hoạt động vì hiện nay Thứ 7, Chủ Nhật thường hay ùn ứ. Riêng tuyến đi Thạnh An, hiện nay sử dụng bằng đò gỗ, tuy chưa có tai nạn gì nhưng người dân cũng đề nghị nâng cấp lên thành tuyến phà cho an toàn, PCT Cần Giờ đề nghị.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, địa bàn thành phố có 411 vị trí bến thủy nội địa đã được xác định. Làm sao kết nối các bến này với hệ thống giao thông khác và phải có các tiện tích kèm theo như bãi xe, nhà vệ sinh… phục vụ hành khách thì mới phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Ông An cho rằng với Nghị quyết 98 về phát triển TPHCM sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy phát triển mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo đột phá cho ngành đường thủy địa phương. Chúng ta có thể yên tâm đầu tư ổn định và phát triển hạ tầng đường thủy của TPHCM.