TPHCM giải quyết thủ tục hành chính 'không giấy' ngày càng nhiều

(VOH) -UBND TP ban hành Quyết định số 4832/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2021 với chủ đề là "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM".

Theo đó, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính để từng bước ổn định và trở lại hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục về tài chính, thuế, việc làm, đăng ký kinh doanh... Chẳng hạn, thành phố đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử…

Các cơ quan, đơn vị trong năm tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng áp dụng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng công nghệ thông tin kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp nhất là khi tổ chức thực hiện giãn cách xã hội phòng tránh COVID-19.

tphcm-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-khong-giay-ngay-cang-nhieu-voh.com.vn-anh1
Cục Thuế TPHCM triển khai các dịch dụ công hỗ trợ người người dân trên địa bàn thành phố. (Ảnh: chụp từ trang hcmtax.gov.vn)

Vào đầu năm, quận 6 đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động, còn được gọi là “ATM hồ sơ”. ATM này vận hành các thủ tục đơn giản như nộp hồ sơ Đăng ký thành lập hộ kinh doanh, Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Cấp lại giấy phép xây dựng. ATM cũng thực hiện trả hồ sơ 8 thủ tục hành chính mức độ 3 không thu phí, như Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, Cấp giấy phép đào đường vỉa hè, Cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè, Thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà ở,…

Vào tháng 4 năm nay, quận 1 ra mắt dịch vụ “Định danh khách hàng điện tử” để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với giải pháp nhận định khuôn mặt. Với cách làm này, khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, người dân chụp hình hai mặt giấy Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, gửi vào hệ thống thì sẽ được tự động nhận diện, điền vào biểu mẫu có sẵn. Thông tin này được lưu lại và công nghệ nhận diện khuôn mặt để người dân có thể đăng ký tự động những lần giao dịch trực tuyến tiếp theo, dễ dàng tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện.

tphcm-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-khong-giay-ngay-cang-nhieu-voh.com.vn-anh2
TPHCM giải quyết thủ tục hành chính “không giấy” ngày càng nhiều.

Quận 11 thì áp dụng hệ thống “Phòng họp, làm việc trực tuyến” kết nối giữa UBND quận với UBND 16 phường. Qua hệ thống này, quận đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 16 phường nắm bắt, giải quyết công việc trôi chảy. Qua đó, giảm số lượng cuộc họp, tăng hiệu quả công việc.

Trong khi đó, quận 7 xây dựng ứng dụng “Công chức trực tuyến” cung cấp cho cán bộ, công chức văn bản đến, văn bản phát hành hàng ngày, thống kê nhanh tình hình giải quyết hồ sơ, lãnh đạo giao nhiệm vụ và những ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Tâm (một người dân ở quận 7 cho biết): “Lúc trước, các thủ tục đăng ký thế chấp và xóa thế chấp phải mất khoảng 1 tuần và không thể theo dõi được tiến trình, nhưng bây giờ đã có thể theo dõi trên mạng và được thông báo qua tin nhắn, không cần phải lên trung tâm đăng ký để hỏi nhân viên, hồ sơ chỉ 2 ngày đã có kết quả”.

Quận Bình Tân cũng vừa triển khai hệ thống lấy số thứ tự trực tuyến vào tháng 6/2021. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào Trang thông tin điện tử quận (binhtan.hochiminhcity.gov.vn), chọn biểu tượng “Lấy số trực tuyến”, chọn lĩnh vực cần giao dịch rồi nhập số điện thoại hoặc địa chỉ email, mã xác thực (Captcha) và nhấn chọn nút “Xác nhận”. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn hẹn giờ đến giải quyết thủ tục vào thuê bao điện thoại và email do người dân đăng ký. Người dân đến đúng giờ làm thủ tục, không phải đến lấy số rồi chờ đến lượt giải quyết như trước. Việc này giúp giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm tập trung đông người trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục phức tạp.

Thực hiện cải cách hành chính không chỉ ở thủ tục, mà còn ở thái độ phục vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Anh Lê Minh (quận 6 ) cho biết: “Trong quá trình làm hồ sơ hoàn công nhà, cán bộ tận tình giúp đỡ khi nộp hồ sơ, thủ tục nhanh gọn hơn, cán bộ vui vẻ, niềm nở nên cảm thấy rất hài lòng ”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng tại TPHCM là 108.832 hồ sơ, chiếm 91,28% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Trong đó, tổng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 có 103.719 hồ sơ, chiếm 86,99% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Để công tác cải cách hành chính tạo điều kiện đầu tư tốt, các sở, ngành liên quan trực tiếp đối với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp như Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường… cần phải đi đầu. Những cải cách thủ tục hành chính cần đảm bảo tính đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các sở, ngành, bộ phận liên quan. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cho biết: “Chỉ cần một cơ quan đầu mối nhập dữ liệu hồ sơ vào thì tất cả các cơ quan khác đều thấy và sử dụng được dữ liệu dùng chung đó để thực hiện văn bản của mình. Hệ thống sẽ giúp sở theo dõi được quá trình xử lý hồ sơ, liên hệ giữa các cơ quan giải quyết khi hỏi và trả lời cũng nhanh hơn”.

Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, các công sở trên địa bàn TPHCM đã thích ứng linh hoạt hơn bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt hội họp, tăng kết nối trực tuyến, nhất là tăng phục vụ người dân theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khóa và tiền tệ, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những phương án hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp và cho phục hồi kinh tế. Nếu cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các cấp, ngành, các lĩnh vực, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển thành phố.