Mô hình một cửa sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến Mô hình một cửa để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (14 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, Quận Gò Vấp) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.
Đọc thêm: Tình trạng xâm hại trẻ em phức tạp, thương tích do đuối nước cao
Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khi vận hành sẽ rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân.
“Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu và phù hợp cho từng nạn nhân ngay từ đầu vào tại Bệnh viện Hùng Vương và đầu ra tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố. Mô hình tuân thủ nguyên tắc “Công khai nơi tiếp nhận, bí mật thông tin”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình” – ông Thinh khẳng định.
Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM khẳng định, đơn vị sẽ tư vấn và hỗ trợ về pháp lý để những vụ bạo hành trẻ em được đưa ra xét xử một cách nghiêm túc. Những trường hợp phụ nữ bị bạo hành có hoàn cảnh khó khăn sẽ được điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em được xem là mô hình tiên phong vì các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em từ trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc và nơi công cộng - được cho là nhạy cảm, khó có thể giải quyết một cách căn cơ và không thể làm đơn lẻ ở một cơ quan, đơn vị nào.